Giá cà-phê Robusta tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn

NDO - Khép lại ngày hôm qua (16/1), giá cà-phê Robusta xác lập mức cao nhất trong 28 năm khi tính theo mã hợp đồng tháng 1 và chạm đỉnh của 16 năm khi tăng hơn 6%, tính theo mã hợp đồng tháng 3. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do căng thẳng tại biển Đỏ tiếp tục thúc đẩy giá thiết lập kỷ lục mới.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Xung đột trên biển Đỏ đang có xu hướng căng thẳng khiến thị trường không chỉ dừng lại ở lo ngại vấn đề phí cước vận chuyển gia tăng và các đơn hàng được vận chuyển lâu hơn bình thường.

Những rủi ro nghiêm trọng hơn đã xuất hiện như tình trạng nông dân Việt Nam hạn chế bán hàng kéo dài và một số hợp đồng giao hàng trước đó không được thực hiện.

Phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 1 tháng, khép lại phiên ngày hôm qua, giá Arabica tăng 2,92% dù hoạt động xuất khẩu cà-phê của Brazil tiếp diễn sự tích cực trong tháng 12.

Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà-phê Brazil (CECAFE) cho biết, trong tháng cuối cùng của năm 2023, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 4,12 triệu bao cà-phê, tăng 27,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 3,78 triệu bao cà-phê dạng hạt đã được xuất đi, với 3,26 triệu bao Arabica, tăng 15% so tháng 12/2022.

Giá cà-phê Robusta tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn ảnh 1

Chạm mức cao nhất trong 1 tháng, giá đường 11 kết phiên ngày giao dịch hôm qua với mức tăng 4,21%. Đồng USD mạnh lên đã thúc đẩy giá đường tăng, bên cạnh đó là việc Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu mật rỉ từ đường.

Chính phủ Ấn Độ ra lệnh thu thuế xuất khẩu 50% đối với mật rỉ chiết suất từ quá trình tinh luyện đường, kể từ ngày 18/1.

Bất chấp việc đồng USD mạnh lên có thể làm giảm lực mua trên thị trường, giá bông vẫn nhỉnh hơn 0,02% so với tham chiếu. Thông thường, chỉ số Dollar Index tăng, đồng USD mạnh lên và giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao sẽ khiến lực mua yếu đi trên thị trường.