Giá bồi thường dự án đường vành đai 3 đã sát với giá thị trường

Đó là thông tin phản hồi từ Phòng Kinh tế (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) sau khi Báo Nhân Dân đăng tải bài viết “Bảo đảm quyền lợi người dân bị thu hồi đất tại dự án vành đai 3” ngày 9/10/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Mặt tiền đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức được bồi thường từ 5,8 triệu đồng đến 7,6 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Mặt tiền đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức được bồi thường từ 5,8 triệu đồng đến 7,6 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Theo đó, đơn vị này cho biết, giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã được thực hiện theo đúng trình tự quy định tại Điều 18, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 7, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và đã sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Trước khi áp giá bồi thường, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã thuê đơn vị tư vấn lập chứng thư với các mẫu thông tin so sánh giá đất nông nghiệp và các loại đất khác được chuyển nhượng thành công trên thị trường và trước khi trình Sở Tài nguyên và Môi trường để trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thẩm định, thông qua; đồng thời niêm yết công khai, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi.

Theo Phòng Kinh tế (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố), trước đó, trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã triển khai dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1, thuộc đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tại Quyết định 4065/QĐ-UBND ngày 28/11/2022, sau đó Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức phê duyệt phương án bồi thường, hầu hết người dân đồng thuận với giá đất cho nên thành phố Thủ Đức đã hoàn tất việc chi trả để triển khai thu hồi mặt bằng. Giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa giá bồi thường cùng một dự án giữa Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác là vì có những địa phương xác định giá đất nông nghiệp bằng cách thu thập thông tin dữ liệu giá đất ở, sau đó trừ đi khoản nghĩa vụ tài chính phải thực hiện để cho kết quả giá đất nông nghiệp. Theo Phòng Kinh tế (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố), giá đất nông nghiệp thu thập theo cách này là chưa phù hợp với Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cử tri đã nêu ý kiến liên quan giá bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3. Đơn cử, ông Lê Minh Thắng (phường Trường Thạnh) phản ánh, ông có khu đất diện tích 3.300m2 nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển; mức giá bồi thường chỉ dao động từ 5,8 triệu đồng đến 7,6 triệu đồng/m2, trong khi giá đất mặt tiền tại khu vực đang giao dịch ở mức trên dưới 70 triệu đồng/m2. Như vậy, bàn giao đất cho Nhà nước, người dân bị thiệt thòi rất lớn. Theo ông Thắng, giá bồi thường này của Thành phố Hồ Chí Minh chưa bằng một nửa so với tỉnh Bình Dương. Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu đồng, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh là 7,6 triệu đồng.

Ngoài ra, người dân cũng phản ánh, giá đất bồi thường theo quyết định được điều chỉnh nhưng điều này là không công bằng với những người đã đồng thuận với giá cũ. Vì vậy, cử tri kiến nghị các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức có ý kiến, tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh áp dụng quyết định này đối với cả người dân đã đồng ý nhận tiền đền bù trước đây. Ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cho rằng, đơn giá bồi thường là câu chuyện rất phức tạp, đòi hỏi quá trình xây dựng công phu, thông qua nhiều cấp, nhiều ngành để được phê duyệt. Tại dự án vành đai 3 đi qua địa bàn, thành phố Thủ Đức đã lập sáu tổ công tác để giải quyết từng vướng mắc cụ thể. Những phản ánh của người dân sẽ được các ngành chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất ■

Dự án vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua bốn địa phương, gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Mỗi địa phương có hai dự án thành phần là bồi thường giải phóng mặt bằng và xây lắp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đi qua thành phố Thủ Đức và ba huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) dự kiến ảnh hưởng đến 1.671 trường hợp, trong đó 663 trường hợp bị giải tỏa toàn bộ.