Trong bối cảnh đồng USD suy yếu và nhà đầu tư tăng cường nắm giữ tài sản trú ẩn an toàn khi xung đột địa chính trị leo thang, bạc và bạch kim đều trải qua phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng khá.
Trong đó, giá bạc bứt phá 3,39% lên 25,9 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Đây cũng là phiên đánh dấu mức tăng mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2023. Giá bạch kim tăng 2,51% lên 934,3 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần trở lại đây.
Căng thẳng tiếp tục leo thang ở khu vực Trung Đông kéo dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu tư trú ẩn an toàn, trong đó có kim loại quý.
Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu càng khiến cho lực mua kim loại quý được củng cố. Chỉ số USD-Index đã giảm 0,2% về 104,75 điểm, đứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp, do số liệu việc làm tiêu cực của Mỹ.
Cụ thể, Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động cho biết, cơ hội việc làm ở Mỹ, thước đo nhu cầu lao động, đạt 8,756 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 2, thấp hơn so dự báo, trong khi số liệu của tháng 1 bị điều chỉnh giảm xuống 8,748 triệu.
Đối với kim loại cơ bản, hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt vẫn duy trì được đà tăng giá kể từ khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tích cực làm gia tăng triển vọng tiêu thụ.
Kết phiên, giá đồng và giá quặng sắt tăng lần lượt 0,54% và 0,23% lên 8.973,91 USD/tấn và 101,56 USD/tấn. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của đồng trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Tuy vậy, đà tăng của giá đồng gặp lực cản bởi một vài tin tức tích cực về nguồn cung. Cụ thể, tại Chile, quốc gia chiếm gần 1/4 nguồn cung đồng của thế giới, sản lượng khai thác mỏ của nước này đang bắt đầu phục hồi sau nhiều tháng sụt giảm kéo dài, với tổng sản lượng khai thác trên cả nước tăng 7,7% so cùng kỳ trong tháng 2. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là sản lượng đồng tăng 9,95% lên 420.242 tấn.