Phóng viên: Xin chào GĐKT Yusuke Adachi, sau khi kết thúc 2 tuần cách ly và bắt đầu làm việc tại Việt Nam, ông có cảm nhận thế nào?
GĐKT Yusuke Adachi: Chính xác tính đến hiện tại, tôi đã thực hiện 25 ngày cách ly sau khi đến Việt Nam. Tôi cảm thấy rất hào hứng và nhận thấy một trách nhiệm lớn trên cương vị là GĐKT của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
PV: Đây là lần đầu tiên ông đảm nhiệm cương vị GĐKT tại một liên đoàn bóng đá, ông cảm thấy có gì khác biệt so với những công việc trước đây tại CLB Yokohama (Nhật Bản) hay học viện bóng đá tại Hồng Kông?
Trước đây, tại CLB Yokohama, tôi đảm nhiệm vị trí HLV trưởng và công việc chính của một HLV là xây dựng đội bóng. Còn tại học viện bóng đá ở Hồng Kông, tôi chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình đào tạo huấn luyện viên để phát triển nền bóng đá tại đây.
Lần này, khi đến Việt Nam, tôi cũng sẽ thực hiện những công việc tương tự như vậy, chỉ khác là ở một tầm quy mô lớn hơn. Cũng chính vì thế mà tôi cảm nhận được một trách nhiệm cao và đang rất hào hứng để bắt tay vào công việc của mình. Tôi sẽ cố gắng vận dụng những kinh nghiệm của bản thân để phát triển bóng đá trẻ tại Việt Nam.
PV: Trước khi nhận lời làm việc tại Việt Nam, ông đã dành thời gian tìm hiểu gì về bóng đá Việt Nam?
Tôi nghĩ là mình vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu bóng đá Việt Nam, nhưng điều khiến tôi ấn tượng về bóng đá tại đây chính là sự đam mê của các bạn đối với môn thể thao này. Nếu so sánh với Nhật Bản hay các quốc gia khác tại châu Á, bóng đá tại Việt Nam có lẽ là môn thể thao được yêu thích nhất.
Hai năm trước, tôi đã từng được chứng kiến không khí bóng đá tại Việt Nam sau một trận đấu của ĐTQG. Sau khi trận đấu kết thúc, các CĐV ùa ra đường cùng nhau reo hò và ăn mừng chiến thắng. Đây là một điều chưa từng có tại Nhật Bản. Qua đó, tôi có thể cảm nhận được sự đam mê và yêu thích của người hâm mộ Việt Nam đối với bóng đá.
PV: Thưa ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ông tại Việt Nam đó là hoạch định các chiến lược phát triển cho bóng đá trẻ không chỉ tại các đội tuyển trẻ mà còn cả các trung tâm và học viện bóng đá trên cả nước, vậy ông đã có kế hoạch gì cho nhiệm vụ này cũng như tầm nhìn của ông đối với bóng đá trẻ Việt Nam ra sao?
Trên cương vị là GĐKT, tôi sẽ cần phải quan tâm đến rất nhiều khía cạnh. Việc sở hữu những cầu thủ xuất sắc ảnh hưởng lớn đến thành tích của đội tuyển. Nếu muốn phát triển một nền bóng đá, chúng ta cần có những cầu thủ tài năng và để làm được điều đó cần có những HLV cùng với môi trường phát triển tốt.
Vì thế, tôi nghĩ cần bắt đầu từ những khóa đào tạo dành cho HLV và bóng đá trẻ, kể cả bóng đá phong trào. Đây là một kế hoạch dài hạn chứ không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Điều này là vô cùng quan trọng trong sự phát triển của bóng đá.
PV: Với kinh nghiệm là giảng viên của AFC, ông đã từng tham gia đào tạo rất nhiều các khóa đào tạo HLV tại châu Á, trong đó có nhiều HLV hiện đang làm việc tại V-League, đây có phải là một điều thuận lợi cho ông khi làm việc tại đây?
Đây là một sự may mắn và lợi thế cho tôi vì từng tham gia nhiều khóa đào tạo tại Việt Nam và có nhiều bạn bè tại đây. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể đến làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều thuận lợi nhất với tôi khi làm việc tại đây có lẽ phải kể đến tiềm năng của các cầu thủ trẻ.
Các cầu thủ từng tham gia vào một vài khóa đào tạo của tôi trước đây có khả năng rất tốt. Chỉ sau một tháng tham gia khóa học, họ đã có rất nhiều tiến bộ. Các cầu thủ và HLV tại Việt Nam có một tiềm năng phát triển rất lớn. Vì thế tôi tin rằng mình có thể đạt được những thành công nhất định.
PV: Ông có thể cho biết kế hoạch của ông trong thời gian tới?
Trong một vài tháng tới đây, tôi sẽ dành thời gian để tìm hiểu thêm về bóng đá Việt Nam, đồng thời tiến hành các phân tích chi tiết để có được cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng của các HLV và cầu thủ tại Việt Nam. Từ đó, tôi sẽ đưa ra các kế hoạch cụ thể cho giai đoạn sắp tới.
Xin cảm ơn ông và chúc ông cùng thành công với bóng đá Việt Nam!