Theo người phát ngôn Gazprom, Sergey Kupriyanov, tập đoàn này đã cung cấp khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu là 79,6 triệu m3 khí đốt trong ngày 10/4.
Tuy nhiên, ông cho biết khối lượng khí đốt này ít hơn mức đặt ra trong các đơn đặt hàng dài hạn trước đó (khoảng 109,5 triệu m3 khí đốt mỗi ngày).
Trước đó, ngày 9/4, Gazprom đã cung cấp 78,3 triệu m3 khí đốt theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu thông qua đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine.
Cùng ngày 10/4, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề khí hậu Frans Timmermans cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, trong bối cảnh EU đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu thay thế cho dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Cairo (Ai Cập), ông Timmermans nhấn mạnh: "Những điều mà chúng tôi làm trong những tuần tới là hướng tới điều mà tôi gọi là sáng kiến Repower EU (tái cung cấp năng lượng cho EU), một phần trong đó là việc chúng tôi muốn tăng tốc chuyển đổi năng lượng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi có thể xem xét lại các mục tiêu của mình".
Theo ông, một sửa đổi như vậy đồng nghĩa với việc tỷ lệ năng lượng tái tạo mục tiêu vào năm 2030 sẽ cao hơn so với mức đặt ra trước đó. Theo kế hoạch hiện tại, EU đặt mục tiêu nguồn năng lượng tái tạo chiếm 40% tổng lượng năng lượng tiêu thụ vào năm 2030.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EC đã đề xuất châu Âu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và lên kế hoạch loại bỏ mặt hàng này vào năm 2027.
27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí giảm 55% tổng lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990, một bước đi hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
EC dự kiến sẽ đề xuất kế hoạch "Repower EU" vào tháng 5 tới về cách EU có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga.