Gần đây, tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội trở nên căng thẳng hơn trước do mật độ phương tiện gia tăng mạnh. Để bảo đảm giao thông, UBND thành phố đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc đôn đốc đẩy mạnh tiến độ xây dựng, mở rộng các tuyến đường vành đai. Với tuyến đường vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, thành phố yêu cầu các đơn vị không được để chậm trễ hơn nữa, phải triển khai quyết liệt để thông xe vào cuối năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn, UBND quận Hai Bà Trưng, nhà thầu thi công, cùng các sở, ngành liên quan đang tập trung phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi, bàn giao đất và gấp rút thi công. Anh Đinh Như Luân - đại diện đơn vị thi công gói thầu số 4 cho biết: đơn vị vừa được bàn giao khu vực đầu tuyến, đoạn gần nút giao Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu, nhưng trên diện tích đó còn hai nhà chưa phá dỡ xong, trong đó một nhà vẫn còn người ở. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đưa máy móc vào tranh thủ thi công, bám sát tiến độ dỡ nhà. Rất mong chính quyền địa phương và các ngành sớm hoàn thành việc di dời các hộ dân, di chuyển công trình ngầm, nổi, để đơn vị có thể tiến hành thi công đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Dự án này là công trình trọng điểm của thành phố, được phê duyệt đầu tư từ năm 2005, nhằm giải tỏa ách tắc diễn ra thường xuyên tại đây. Đoạn đường có điểm đầu ở ngã tư phố Lò Đúc - Trần Khát Chân và điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái với chiều dài gần 550 m, mặt đường rộng chưa đến 10 m. Bởi vì tuyến đường này chưa được mở rộng, cho nên các phương tiện muốn đi từ đường Lò Đúc, Trần Khát Chân đến đê Nguyễn Khoái buộc phải đi đường vòng, xa hơn 3 km, dẫn đến thường xuyên ùn tắc các tuyến liên quan như Lạc Trung, Minh Khai, Lò Đúc, Kim Ngưu. Vì vậy, thành phố quyết định đầu tư mở rộng đường với mặt cắt ngang 50 m, thiết kế đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Dự án là sự mong đợi rất lớn của người dân, nhất là dân cư ở khu vực. Tuy nhiên, tuyến đường được triển khai xây dựng chậm do gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án cần thu hồi hơn 41 nghìn m2 đất, liên quan tới 673 hộ dân và tám cơ quan, tổ chức tại các phường Đống Mác, Thanh Lương, Thanh Nhàn, Bạch Đằng thuộc quận Hai Bà Trưng. Cho đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 90% khối lượng. Có 591 hộ và năm cơ quan, đơn vị đã tháo dỡ bàn giao mặt bằng. Khối lượng mặt bằng còn lại tuy không nhiều, nhưng sẽ mất không ít thời gian để hoàn thành bởi vẫn còn 23 hộ dân trong khu tập thể ngõ 93 (địa bàn phường Bạch Đằng) chưa nhất trí với phương án đền bù đã được phê duyệt. Các hộ này yêu cầu ngoài diện tích nhà ở, phải được bồi thường cả diện tích lối đi chung của khu tập thể. UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức đối thoại nhằm giải thích để các hộ dân hiểu rõ chính sách và hiện đang tiếp tục vận động người dân chấp hành nhận tiền và cam kết bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, còn khoảng 50 hộ dân khó khăn về tài chính, chưa đủ tiền mua nhà tái định cư… Quận đã kiến nghị thành phố cho phép tạm bàn giao ngay căn hộ tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt, song song với việc lập hồ sơ bán nhà theo quy định. Ngày 16-9 vừa qua, UBND thành phố cũng đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố đồng ý việc các hộ dân đang khó khăn về tài chính, nếu có đơn đề nghị sẽ được mua nhà và trả dần số tiền còn thiếu theo quy định tại Quyết định 14/2012/QĐ-UBND ngày 4-7-2012 của UBND thành phố. Như vậy, với phương án tháo gỡ nêu trên, quận Hai Bà Trưng khẳng định sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 11.
Về tiến độ xây dựng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn Phạm Văn Duân cho biết: Đoạn phố Kim Ngưu và phố Đông Kim Ngưu đã cơ bản hoàn thành và thông xe vào ngày 15-7. Tuyến đường chính đã được tiến hành rào chắn và tổ chức thi công những vị trí đã bàn giao mặt bằng. Cụ thể, đã làm được 40m rãnh thu nước thải, hào kỹ thuật; đã đào, đắp cát nền đường theo thiết kế; xây tường chắn tại các vị trí có mặt bằng theo chỉ giới xây dựng... Hiện, các nhà thầu đã tập kết nhân lực, thiết bị, vật liệu và đúc cấu kiện bê-tông đủ điều kiện triển khai ngay khi có mặt bằng. Các nhà thầu cũng tranh thủ có mặt bằng đến đâu, tổ chức thi công ngay tới đó. Trong khu vực thi công, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp phân luồng phương tiện, cấm xe ô-tô lưu thông trên đoạn đường từ ngày 7-9 đến 31-12 để bảo đảm an toàn giao thông khi triển khai dự án. Trong quá trình xây dựng, khó khăn nhất đối với các nhà thầu là do còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho nên không thể triển khai thi công đồng bộ việc di chuyển các công trình ngầm nổi và xây lắp. Việc tranh thủ thi công bám sát tiến độ bàn giao mặt bằng cũng rất chật vật, vì chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, xen kẹt, khó vận hành máy móc và vừa làm vừa phải duy trì điện, nước cho dân cư, nhất là hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt vào các hộ dân hai bên đường dày đặc…
Thời gian chỉ còn hơn hai tháng nữa mà phải hoàn thành cả công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường là nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan. Mong rằng dự án được hoàn thành đúng như kế hoạch, góp phần hoàn chỉnh đồng bộ tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Hoàng Cầu, đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân Thủ đô.