Gấp rút đưa các công trình giao thông trọng điểm về đích

Một số công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch đang được các đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành từ nay đến cuối năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về đời sống dân sinh, giao thông đi lại, góp phần thay đổi diện mạo thành phố, đồng thời bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Long Kiểng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động dịp Quốc khánh 2/9. (Ảnh THẾ ANH)
Cầu Long Kiểng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động dịp Quốc khánh 2/9. (Ảnh THẾ ANH)

Mặc dù ngày cuối tuần nhưng nhóm công nhân vẫn rải đều trên công trình xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) để hoàn tất những phần việc còn lại, cố gắng đưa công trình vào hoạt động trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 như yêu cầu của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh).

Nỗ lực bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bà Lê Thị Thụy Yến, ngụ xã Phước Kiển, buôn bán gần cầu Long Kiểng cũ chỉ tay qua cầu mới phấn khởi nói: "Không bao lâu nữa, người dân được đi lại trên cây cầu Long Kiểng mới khang trang, rộng rãi rồi. Chúng tôi chờ đợi hơn 10 năm nay cũng đến ngày được nhìn thấy công trình hoàn thành, không còn cảnh chạy xe trên cây cầu sắt rộng 3 m, cũ kỹ, chật chội và ùn tắc mỗi ngày". Sau thời gian 23 năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt dự án, cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương đã định hình, có bề rộng 15m. Cây cầu tạo một bộ mặt mới cho huyện Nhà Bè, giúp giao thông đi lại thông suốt, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một thời gian dài.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn nhận định: Cầu Long Kiểng là một trong bốn cây cầu quan trọng trên đường Lê Văn Lương, tuyến đường huyết mạch từ Long An, qua Nhà Bè, Quận 7, về trung tâm thành phố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ hết mình của các sở, ngành và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Nhà Bè nên dự án sắp về đích.

Sau gần một năm kể từ khi nhận mặt bằng còn lại (hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vào tháng 9/2022), chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tập trung thực hiện dự án với tiến độ cao nhất, ngày đêm bám trụ công trình. Ông Võ Phan Lê Nguyễn chia sẻ thêm, cầu Long Kiểng hoàn thành góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Nhà Bè và tạo niềm tin cho người dân về sự đi lên của huyện. Ngoài ra, cầu Long Kiểng hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tác động tích cực, lan tỏa trên nhiều mặt, trong đó lan tỏa tích cực đối với công tác bàn giao mặt bằng, giúp cho huyện cơ bản hoàn thành công tác bồi thường thực hiện một số dự án như dự án xây cầu Rạch Ðĩa; chuẩn bị cho công tác bồi thường cầu Rạch Tôm cũng nằm trên tuyến Lê Văn Lương.

Nằm trên địa bàn huyện Cần Giờ, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông-chủ đầu tư cũng phấn đấu đưa công trình cầu Vàm Sát 2 vào hoạt động trong tháng 9 này. Cầu Vàm Sát 2 có chiều dài 1 km, tổng vốn đầu tư 344 tỷ đồng, nằm trên đường Lý Nhơn, bên phía cuối tuyến nối vào đường Ðê Soài Rạp, kết nối phà Lý Nhơn-Cần Giờ đồng thời nối qua Tân Tập-Cần Giuộc (tỉnh Long An), giúp phát triển kinh tế-xã hội cho huyện Cần Giờ cũng như kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An.

Hiện khối lượng thi công công trình đạt gần 95%. Theo chủ đầu tư, dự án này bị vướng giải phóng mặt bằng nên tháng 7/2022, địa phương mới bàn giao đủ mặt bằng thi công. Mặc dù tiến độ công trình chậm nhưng với sự quyết tâm của các bên, công trình đã hoàn thành, phấn đấu sớm đưa vào hoạt động trong tháng 9 năm nay.

Ngoài cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè, cầu Vàm Sát 2 ở huyện Cần Giờ đặt mục tiêu khánh thành đúng dịp 2/9 sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều dự án lớn giúp thay đổi bộ mặt giao thông thành phố như nút giao An Phú ở cửa ngõ phía đông, đường nối Trần Quốc Hoàn và ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường vành đai 3, dự án mở rộng Quốc lộ 50… đều đang được thi công nước rút.

Những quyết tâm trong năm 2023

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có khoảng 20 dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng như dự án mở rộng đường Lương Ðịnh Của, xây dựng cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn... (thuộc thành phố Thủ Ðức), cầu Phước Long, cầu Rạch Ðỉa (thuộc Quận 7, huyện Nhà Bè)... Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương rất quan trọng. Với những dự án này, các địa phương đang tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng trong năm 2023 để chủ đầu tư tổ chức thi công, giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch và tiến độ đăng ký.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, ông Lương Minh Phúc cho biết thêm, năm nay dự án của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chiếm 50% vốn đầu tư công với hơn 34.000 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư công năm nay của toàn thành phố, vì vậy Ban phải tập trung nguồn lực cùng chính quyền các địa phương dồn sức hoàn tất thủ tục, đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng phải tháo gỡ nhanh.

Theo Sở Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh đang có 34 dự án giao thông trọng điểm thực hiện trong năm 2023. Thành phố được giao kế hoạch vốn đầu tư công gần 70.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022. Do đó, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công trong năm 2023, đặc biệt ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách ■