Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào còn háo hức lên đường mà nay Trung tá Phùng Đắc Sinh cũng gần 90 tuổi. Nhanh quá. Mà cũng phải thôi, con trai ông giờ đã trưởng thành đang công tác ở một đồn biên phòng biên giới phía bắc.
Mới ngày nào, vào đúng ngày 3/3/1959, người thanh niên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ ở thôn Thi, xã Đào Viên (thị xã Quế Võ) nhập ngũ vào Công an vũ trang. Thật trùng hợp, đó cũng là ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập Lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách làm công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an".
Năm 1963, ông Sinh được cử đi học khóa I tại Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (tiền thân là Học viện Biên phòng ngày nay).
Người sĩ quan già chậm rãi kể: "Vào trường học 3 năm ở Hà Tây (cũ), chúng tôi được nghe giảng về vùng chủ quyền biên giới, học về nghiệp vụ bảo vệ an ninh biên cương. Tôi vẫn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến dự nhân dịp thành lập lực lượng và huấn thị cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang. Bác chỉ phương châm hành động của lực lượng bằng thơ:
“Đoàn kết cảnh giác
Liêm chính, Kiệm cần
Hoàn thành nhiệm vụ
Khắc phục khó khăn
Dũng cảm trước địch
Vì nước quên thân
Trung thành với Đảng
Tận tụy với dân”.
Người sĩ quan ở tuổi thượng thọ bỗng dừng lại. Tuổi cao cùng với nhiều năm tháng xông pha trên tuyến biên giới Lạng Sơn khiến sức khỏe của ông đang có phần giảm sút.
“Giai đoạn 1965-1975, tôi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu quan trọng ở nội địa, vừa tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc và chi viện cho an ninh vũ trang miền nam”, ông nói chậm rãi nhưng rõ nét từng chữ.
Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bằng vũ khí bộ binh, các đơn vị công an nhân dân vũ trang trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ các loại.
“Lực lượng công an nhân dân vũ trang chống chiến tranh phá hoại của địch, tham gia tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, bắt, tiêu diệt nhiều toán gián điệp, biệt kích, phỉ và các tổ chức phản động, duy trì tốt an ninh trật tự khu vực biên phòng”, ông hào hứng kể.
Ngoài ra, hơn năm nghìn cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang xung phong chi viện cho lực lượng an ninh vũ trang trực tiếp chiến đấu mở mặt trận K5 Nghệ An, Hà Tĩnh giúp bạn Lào.
“Từ ngày 30/4/1975 đến tháng 1/1979, các đồn trạm, đơn vị cơ động công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia chiến đấu, chống Pol Pot - Ieng Sary. Đây là thời gian oanh liệt nhất trong đời binh nghiệp của tôi”, Đại tá Hoàng Khúc (thôn Đông Hương, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) nói.
Từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 6 năm 1986 là thời gian diễn ra những trận đánh ác liệt nhất, cam go nhất. Đại tá Hoàng Khúc là trung đoàn trưởng trung đoàn 687. Khi bị giặc Pol Pot bao vây đại đội 6, Trung đoàn trưởng Hoàng Khúc mưu trí, dũng cảm vừa đánh vừa xin tiếp viện và được sư 307 cùng tiểu đoàn 210 giải vây đại đội 6 và đánh thắng giặc Pol Pot, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều súng đạn.
“Hồi đó, ngày nào tôi cũng viết nhật ký các trận đánh”, vị Đại tá tuổi Mậu Dần nói. Từ cuốn nhật ký, tôi ghi chép tỉ mỉ từng trận đánh làm tài liệu viết về chiến tranh, chặng đường hình thành và phát triển, lực lượng công an nhân dân vũ trang".
Ông cho biết thêm, sau chiến tranh biên giới lực lượng công an nhân dân vũ trang trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng luôn phối hợp các lực lượng và địa phương vùng biên để phân giới cắm mốc biên giới đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ với các nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia.
Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý hàng ngàn đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật (trong đó tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán người, tội phạm hình sự và vi phạm pháp luật khác).
Thiếu tướng Nguyễn Đình Khẩn, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, quê thôn Mỹ Duệ, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài cho rằng, thành công lớn nhất của công tác biên phòng là thực hiện các phong trào: “Giao lưu hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt Nam-Trung Quốc”; giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” (Việt Nam-Trung Quốc-Lào-Campuchia) và “Giao lưu Quốc phòng biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào lần thứ nhất”. Tổ chức ký kết cụm dân cư tại 20/25 tỉnh biên giới đất liền, đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa Đồn, Trạm Biên phòng - Lực lượng vũ trang hai bên biên giới với 123 cặp/265 Đồn Biên phòng.
Trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh làm sáng mãi hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" có các phong trào như: Thầy giáo mang quân hàm xanh, Nâng bước em đến trường, thầy thuốc quân hàm xanh, tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới. Hiện nay, bộ đội biên phòng có hàng trăm cán bộ tăng cường xã giữ các chức vụ quan trọng ở 22/44 tỉnh, thành phố biên giới, giúp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, nghèo xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
Bắc Ninh là tỉnh không có biên giới quốc gia, nhưng 65 năm qua tỉnh Bắc Ninh có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng bộ đội quốc phòng. Hàng nghìn thanh niên Bắc Ninh tham gia và đóng góp công sức góp phần tô thắm truyền thống lực lượng.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Khẩn nghỉ hưu theo chế độ, ông được các đồng chí, đồng đội bầu giữ cương vị Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Bắc Ninh. Đây là tổ chức tự nguyện nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ là người quê hương Bắc Ninh từng chiến đấu, công tác trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang - bộ đội biên phòng.
Với phương châm "Truyền thống - Nghĩa tình - Tự nguyện" nhằm phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống anh hùng của bộ đội biên phòng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống, ngày 3/3/2019, Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Bắc Ninh được thành lập.
65 năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng nhiều lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, một Huân chương Lao động hạng Ba, cùng hàng trăm lượt tập thể và gần 70 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng nghìn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, cùng gần 15 nghìn cá nhân được khen thưởng là hoàn toàn xứng đáng với công lao đóng góp của họ.
Bài Hành khúc Công an nhân dân - tiền thân của bộ đội biên phòng khiến tôi phấn chấn: “Đường sá sông ngòi về tới biển khơi, rừng sâu biên giới đồi núi xa xôi… Chúng ta là chiến sĩ công an trung với Đảng suốt đời vì dân, khó khăn gian khổ biết mấy ghi lời Bác dạy, ta quyết vượt qua”. Vì thế, mầu xanh trên quân hàm của bộ đội biên phòng là mầu xanh của cỏ cây, sông nước, mây trời… tạo nên mầu xanh vi diệu ấy. Mầu xanh của cuộc sống bình yên và thịnh vượng mang đến mọi nhà.