Gặp mặt nhân chứng lịch sử Công an tham gia chống chiến tranh phá hoại và gián điệp biệt kích

Chiều 29/12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị "Gặp mặt đại biểu nhân chứng lịch sử Công an nhân dân tham gia chống chiến tranh phá hoại và gián điệp biệt kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự và phát biểu ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tướng Tô Lâm cùng các đại biểu dự buổi gặp mặt. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
Đại tướng Tô Lâm cùng các đại biểu dự buổi gặp mặt. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu nhân chứng lịch sử Công an nhân dân tham gia hai cuộc chống chiến tranh phá hoại mà đỉnh cao là trận "Điện Biên Phủ trên không" và cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm bày tỏ lòng tri ân, biết ơn vô hạn với các Anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ công an từng tham gia công tác chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và gián điệp biệt kích trên khắp các chiến trường.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị các nhân chứng lịch sử trong lực lượng Công an quan tâm đóng góp những tư liệu, tài liệu, hiện vật quý đã gắn bó trong quá trình công tác, chiến đấu để làm phong phú hơn những trang vàng lịch sử Công an nhân dân. Dịp này, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo chăm sóc sức khỏe, đời sống, tinh thần của các đồng chí công an hưu trí, nhân chứng lịch sử, thể hiện sự tri ân, chính sách của Nhà nước, Bộ Công an đối với những người có công với cách mạng, đất nước.

* Chiều 29/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Công an tổ chức lễ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lễ ký chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022-2026. Tới dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Lâm cho rằng, hai bên cần tập trung phối hợp, xây dựng những văn bản pháp luật liên quan công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường; tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường tại các địa phương trên cả nước… Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và phục vụ tốt cho công tác quản lý theo chức năng của hai bộ, cũng như phục vụ chung cho Nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực này.

Dịp này, Đại tướng Tô Lâm trao Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" của Bộ Công an tặng 12 cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường" của Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng 12 cá nhân thuộc Bộ Công an có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường.

* Ngày 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng chí đề nghị thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tập trung chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước;…

* Ngày 29/12, tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã Thanh Long và Thụy Hùng (Văn Lãng); thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình (Văn Lãng). Tại đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao quà tặng 100 gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn xã Thanh Long và Thụy Hùng; trao biểu trưng 200 suất quà tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Văn Lãng, trong đó có 30 suất quà được trao trực tiếp tại chương trình.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch nước dự chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" năm 2023 với hàng trăm công nhân, người lao động tiêu biểu của tỉnh. Dịp này, Phó Chủ tịch nước trao 10 Nhà "Đại đoàn kết" với tổng trị giá 500 triệu đồng tặng tỉnh Lạng Sơn; trao 200 suất quà Tết tặng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Trước đó ngày 28/12, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim (sinh năm 1931, trú tại phường Vĩnh Trại) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Hành (sinh năm 1948, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn).