Những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều động, luân chuyển cán bộ ngày càng chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đưa công tác điều động, luân chuyển cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên, khâu quan trọng trong công tác cán bộ, từng bước đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt.
Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 34 Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời đã phân công, bố trí công tác sau luân chuyển đối với 53 cán bộ.
Chất lượng cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín. Nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự điều động, luân chuyển đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của Trung ương, địa phương, có sự đổi mới, phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Chất lượng cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín. Nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt.
Bên cạnh đó, công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn một số hạn chế: Việc kết hợp hài hòa giữa điều động, luân chuyển với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập. Điều động, luân chuyển giữa các khối chưa hài hòa, luân chuyển từ địa phương về Trung ương chưa nhiều. Một số ít cán bộ điều động luân chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao ý nghĩa của buổi gặp mặt, đồng thời khẳng định điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, trong đó điều động và luân chuyển có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đồng chí mong muốn các đồng chí cán bộ được điều động, luân chuyển không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ rệt trong vị trí công tác được phân công; quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; thực sự quan tâm, giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nhân dân.
Đặc biệt, mỗi cán bộ được điều động, luân chuyển cần tích cực nêu gương, dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tình hình, phải trở thành một phần không thể thiếu của địa phương nơi được điều động, luân chuyển. Chú trọng tự rèn luyện, tự đào tạo, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp xếp, phân công.
Thay mặt Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đồng chí cán bộ điều động, luân chuyển. Theo đồng chí Trương Thị Mai, công tác điều động, luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng. Ban Tổ chức Trung ương luôn theo dõi, hỗ trợ các đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Nhiều đồng chí sau khi được điều động, luân chuyển đã có những bước trưởng thành, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển chủ động khắc phục khó khăn, phát huy năng lực, sở trường của bản thân, thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi điều động, luân chuyển đến.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng mong muốn các đồng chí luôn tận tâm, thực lòng, tận dụng thời gian để những năm tháng ở địa phương thực sự có ý nghĩa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân.