Tham dự buổi gặp gỡ có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, ông Jean Pierre Archambault -Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Pháp, ông Nguyễn Văn Bổn - đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp- những người luôn hết lòng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam dioxin và vụ kiện của bà Trần Tố Nga cùng đông đảo những người ủng hộ thuộc các thế hệ người Việt sinh sống tại Pháp, trong đó đa phần là giới trẻ...
Phát biểu tại buổi gặp, Đại sứ Nguyễn Thiệp bày tỏ vui mừng được tiếp đón các bạn trẻ dù sinh ra và lớn lên tại Pháp nhưng thể hiện tinh thần gắn bó với nguồn cội, quê hương xứ sở, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với gần năm triệu nạn nhân chất độc da cam cam dioxin ở trong nước.
Cuộc gặp có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Nhiều người trong số họ không còn nói được tiếng Việt nhưng vẫn sẵn sàng góp sức giúp bà Trần Tố Nga trong quá trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam dioxin.
Đại sứ hoan nghênh các bạn trẻ đã tổ chức thành công sự kiện “36 giờ với các nạn nhân chất độc da cam dioxine” nhân sự kiện Ngày vì nạn nhân chất độc da cam dioxin tại Việt Nam ngày 10-8 vừa qua, những người ủng hộ bà Trần Tố Nga, người đang theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ tại Pháp nhiều năm qua. Với thời gian chuẩn bị chưa đầy hai tháng, các bạn trẻ đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú cả về nội dung và hình thức nghệ thuật (hát, múa, chiếu phim, khiêu vũ…), tham gia các hoạt động trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, có nhiều ý tưởng sáng tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, trong đó phải kể đến những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Đắc Hà, Võ Đình Kim…
Anh Võ Đình Kim cho biết, chương trình đã mang lại thành công lớn với 161.800 lượt xem, 28.900 lượt yêu thích, 7.300 chữ ký ủng hộ vụ kiện, tạo tiếng vang trong dư luận trong nước và quốc tế và đã biến thành hành động cụ thể thông qua việc các cá nhân và tổ chức quyên góp được số tiền hơn 5.000 euro ủng hộ cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Hậu quả chiến tranh để lại vô cùng tàn khốc, hơn ba triệu héc-ta đất rừng bị phá hủy bởi loại chất độc này và hậu quả của nó để lại không chỉ đối với thiên nhiên mà cả với sức khỏe của nhiều thế hệ sau. Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam dioxine Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu người đã bị nhiễm độc trực tiếp và phải gánh chịu những di chứng nặng nề với các căn bệnh về thần kinh, ung thư, tim mạch…
Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết, để bảo vệ sức khỏe người dân, từ năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm hóa chất có nguồn gốc từ dioxine hay glyphosate. Hằng năm, ngoài việc quân tâm chăm sóc cho các nạn nhân chất độc da cam với các trung tâm chăm sóc nạn nhân ngày càng nhiều trên khắp cả nước, Chính phủ Việt Nam còn đầu tư nguồn lực thích đáng cho hoạt động của hội nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn đẩy mạnh phối hợp với Chính phủ Mỹ thực hiện việc tẩy độc ở các khu vực còn ô nhiễm nặng hiện nay trong đó có sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng.
Trong những năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn đồng hành với cuộc đấu tranh pháp lý giành lại công lý và lẽ phải cho các nạn nhân trong đó có bà Trần Tố Nga, là nạn nhân trực tiếp đứng ra đòi lại công lý cho mình và cho các nạn nhân khác.
Dự kiến, ngày 12-10 tới Tòa án ở thành phố Évry, phía nam thủ đô Paris sẽ tiến hành phiên tranh tụng để xét xử vụ kiện.
Bà Trần Tố Nga cho biết, trong suốt nhiều năm theo đuổi vụ kiện này, với hàng chục phiên tòa đã diễn ra, có nhiều lúc mệt mỏi vì tuổi cao, bệnh tật, phía bị đơn liên tục tìm cớ để trì hoãn xét xử nhưng bà Trần Tố Nga khẳng định sẽ tiếp tục con đường của mình để đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam dioxin.