Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất

NDO - Vài ngày sau thảm họa động đất, Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật một nhà hát tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) bắt đầu tự mình lái xe đi dọc 11 tỉnh vùng tâm chấn. Tại từng địa phương, ông dừng lại rất lâu để biểu diễn múa rối và kể cho lũ trẻ nghe nhiều câu chuyện cổ tích với hy vọng sẽ chữa lành phần nào những tâm hồn bé bỏng.

TỔN THƯƠNG SAU THẢM HỌA

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trận động đất kinh hoàng rạng sáng 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, có khoảng 4,6 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tương lai bất định.

Eyhem là một bé gái người Syria năm nay 12 tuổi. Bố mẹ em là những người tị nạn Syria sinh sống ở ngoại ô thành phố Antakya (Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ). Trận động đất kép rạng sáng 6/2 đã khiến cho toàn bộ nhà cửa của Eyhem bị vùi lấp. Cả nhà cô bé đã buộc phải chuyển lên trên đỉnh ngọn đồi cao dưới chân núi Starius. Ở chung với họ còn có hàng chục thành viên của 3 gia đình tị nạn khác nữa.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 1

Eyhem (bên trái) ở trong 1 chiếc lều tạm rộng chừng 30m2 cùng hơn 20 người khác. Sau động đất, công việc chính của cô bé người Syria là... trông em.

Dẫn chúng tôi về nơi ở, Eyhem vẫn chưa hết lo âu. Em bảo, đến tận lúc này, em vẫn cảm thấy sợ hãi khi nhớ về thời khắc ấy. “Em đang ngủ thì bị bố đánh thức. Ông ôm chặt lấy chúng em rồi chạy vội ra ngoài giữa những tiếng đổ vỡ ngày càng lớn. Mặt đất rung chuyển. Vài phút sau, cả ngôi nhà của chúng em không còn gì cả”, Eyhem vừa kể, vừa dùng tay miêu tả lại cảnh các công trình nghiêng đổ. Đằng sau, hai cậu em líu ríu chạy theo chị trên những đôi chân trần lấm lem đất cát. Đi được chừng 20m, Eyhem bỗng dừng lại, chỉ tay vào giữa một bãi đất trống trải rồi nói: “Nhà em đây rồi.”

Anh Ahmet, bố của Eyhem kể: “Chúng tôi may mắn không mất đi người thân, nhưng toàn bộ tài sản thì đã bị chôn vùi. Sau động đất, nhìn nhà cửa đổ nát, lũ trẻ liên tục hỏi tôi: Chúng ta sẽ sống ở đâu hả bố? Chung quanh, quan tài xếp hàng dài ven đường, tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi suốt ngày đêm.”

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 2

Những em bé Syria bên chiếc lều tạm của mình sau đại địa chấn. Những tổn thương về tâm lý đang đe dọa đến các em từng ngày....

Không thể ở lại nơi cũ, 4 gia đình với 28 người [đều là những người Syria tị nạn-PV] đã quyết định lên ngọn đồi này để làm nhà tạm. Họ nhặt nhạnh tất cả những gì còn sót lại trong đống đổ nát, từ lớp bạt xanh đã thủng lỗ chỗ, vài cột gỗ, một ít nồi niêu, bát đĩa đến chăn đệm, áo quần… Lũ trẻ như Haci, Ayse và Eyhem thì được… “đặc cách” mang theo vài thứ đồ chơi sứt sẹo, cũ mèm.

Động đất không phân biệt lũ trẻ gốc Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ mà xé toạc tuổi thơ của tất cả...

Gọi là “nhà” cho sang, nhưng đó chỉ là 2 chiếc lều được dựng tạm trên một bãi đất trống. Một chiếc rộng chừng 30m2 để cho gần 30 con người, trong đó có 17 trẻ em cùng sinh hoạt. Chiếc còn lại nhỏ hơn dành cho đàn chim, nguồn thực phẩm chính quý giá còn sót lại sau thảm họa. Aye, vợ của Ahmet mời chúng tôi vào lều lớn. Phía bên trong ngoài những tấm thảm cũ kĩ và vài chiếc chăn thì không còn gì có giá trị. Người duy nhất có “đặc quyền” nghỉ bên trong là bé Ayse (2 tuổi) do đang bị ốm.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 3

Hai em bé Syria trong "ngôi nhà tạm". Phía bên trái, bé Ayse bị ốm nên được "đặc quyền" ngủ lại bên trong dù trời chưa tối.

Do “nhà chính” quá nhỏ, nên phần lớn thời gian trong ngày, lũ trẻ sẽ lang thang trên các triền đồi hoặc chui vào lều bên cạnh, bắt chim câu… nghịch ngợm. Mọi sinh hoạt chính cũng gần như đều phải diễn ra bên ngoài, nơi nhiệt độ thường xuyên ở mức 3-7 độ C mỗi khi chiều về.

“Hiện nay, việc ăn uống khá khó khăn. Chúng tôi sống bằng bánh mỳ và lương thực được viện trợ, nhưng với lũ trẻ, như vậy có lẽ là không đủ. Ngoài Ayse đang bị ốm trong lều, chúng tôi còn một bé trai bị thương nhẹ sau động đất nhưng mới chỉ được sơ cứu qua. Thi thoảng sẽ có những người đến cung cấp cho chúng tôi một số loại thuốc, hoặc chúng tôi có thể đến xin thuốc từ các trại tập trung. Nhưng lũ trẻ đang thiếu chỗ chơi và vẫn còn hoảng sợ sau thảm họa. Chúng tôi thực sự rất lo cho chúng”, Ahmet nói.

Bên cạnh, lũ trẻ đã sà vào chiếc chậu toàn cơm không được đặt chỏng chơ trên đất trống, rót chút nước xốt thừa rồi xúc lấy xúc để…

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 4

Bữa ăn nhói lòng của các em những ngày động đất...

Tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, tình trạng cũng không khá hơn. Dondu Yaren, 14 tuổi là một cư dân nhí của làng tạm Nurdagi (Gaziantep). Sau thảm họa, ngày này, cậu vẫn đạp xe trên con đường sát thị trấn đổ nát như một thói quen. Thi thoảng ngẫu hứng, Dondu kéo mạnh tay lái, nhấc bổng bánh trước của chiếc xe lên trong tiếng hò hét của bạn bè.

Ở cách đó chừng 500km, bé Marie mới 2 tuổi cũng cùng cha là anh Mehmet Ali đến tận nơi đóng quân của đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam để xin các chiến sĩ thực phẩm khi đoàn chuẩn bị về nước. Cầm những gói mỳ tôm, hành tỏi khô, cô bé người Syria tị nạn không giấu nổi niềm vui mừng. Nhìn cảnh ấy, tất cả chúng tôi đều chợt cảm thấy chạnh lòng.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 5

Bé Marie, 2 tuổi cùng người nhà tới tận khu đóng quân của đoàn Việt Nam để xin thực phẩm. Em vẫn còn quá nhỏ để ý thức hết nỗi đau mà cha mẹ đang trải qua.

Động đất cùng hàng nghìn cơn dư chấn đã khiến cậu mất đi nhà cửa, trường học, sân chơi, trường học và bệnh viện. Động đất cũng không phân biệt lũ trẻ gốc Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ mà xé toạc tuổi thơ của tất cả. Thay vì được đến trường để học, các em đang phải học cách giúp người lớn mưu sinh. Lũ trẻ đi nhặt củi, nhóm than hoặc trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ khi cha mẹ chúng vắng nhà.

GÁNH XIẾC RỐI VÀ NỖ LỰC CHỮA LÀNH TÂM HỒN TRẺ

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trẻ em tại các vùng chịu ảnh hưởng động đất đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là những tổn thương dài lâu về tâm lý. UNICEF cho biết thêm rằng các gia đình có trẻ em đang phải ngủ trên đường phố, trung tâm thương mại, trường học, bến xe buýt và gầm cầu, tất cả đều sợ phải ngủ trong nhà nếu có thêm dư chấn.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 6

Cùng với thế giới, Việt Nam cũng nỗ lực chung tay giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết sau thảm họa. Trong ảnh, bé Marine được các chiến sĩ Việt Nam bế trong giờ phút chia tay.

Để hỗ trợ trẻ em các vùng động đất, trong những ngày qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã tiến hành cung cấp nước uống an toàn; hỗ trợ các dịch vụ y tế, dinh dưỡng; tiến hành vận chuyển các đồ dùng thiết yếu; cung cấp hỗ trợ tư vấn tâm lý đồng thời thiết lập các không gian học tập tạm thời tại chính các khu tạm cư. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng bắt tay thực hiện các giải pháp thiết thực để hàn gắn vết thương thảm họa đã gây ra với các em.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 7

Ánh mắt của bé gái người Syria trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài ngày sau khi thảm họa động đất xảy ra, Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật một nhà hát tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã lái chiếc xe tải nhỏ của mình hướng về vùng đại địa chấn. Mang theo bộ phục trang chú hề và những con rối khổng lồ, ông bắt đầu hành trình của riêng mình nhằm xoa dịu nỗi đau cho những đứa trẻ trong lòng đại địa chấn.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 8

Một chiếc giày không thể rách hơn của các em vùng tâm chấn.

5 giờ chiều, xe của Mehmet Tahir mới tới được Gaziantep. Vượt qua thành phố điêu tàn, đổ nát, người đàn ông 57 tuổi đã nhìn thấy khu lều trại được dựng nên trên nền công viên cũ. Hơn 20 đứa trẻ đang quây lại cuối con đường, gần sát khu vực phát đồ ăn tối. Từ cabin, Mehmet Tahir bật nhạc hiệu của gánh xiếc, tay bóp chiếc còi dùng trong các lễ hội. Lũ trẻ nghe thấy liền nháo nhác chạy lại, vây kín chiếc xe đã đỗ gọn bên lề đường.

Mehmet kéo cửa xe bán tải, nhanh chóng bày ra sát vỉa hè một chiếc bàn được phủ khăn đen, phía trên đặt 1 chiếc vali đạo cụ. Trong trang phục chú hề với cái mũi đỏ chót và con rối khổng lồ trên tay, ông bắt đầu cất tiếng gọi: “Các bạn nhỏ có muốn xem ảo thuật và nghe chuyện cổ tích không nào?”

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 9

Mehmet Tahir Ikiler kéo theo hành lý để chuẩn bị cho buổi biểu diễn phục vụ các em nhỏ tại Nurdagi, Gaziantep.

Lũ trẻ dạ ran, đồng thời mau mắn ngồi xuống thành từng hàng. Trong ánh mắt đón đợi của trẻ, Mehmet bắt đầu buổi diễn. Efekaan, 12 tuổi được mời lên chứng kiến Mehmet đập một quả trứng gà vào khay.

- Em có tin chiếc mũ trên tay tôi sẽ “nuốt” quả trứng này không?, Memeh hỏi.

- Không, chắc chắn không thể, Efekaan đáp.

- Vậy thì hãy nhìn đây.

Người nghệ sĩ từ Ankara cầm khay trứng, tay còn lại nâng chiếc mũ kếp bằng vải lên xuống theo nhịp điệu, miệng không ngừng hô: Ma thuật! Ma thuật! Lũ trẻ phía dưới cũng đồng thanh hô theo. Những tiếng cười khúc khích vang lên ngay bên những công trình đổ nát. Đột ngột, Mehmet úp ngược khay trứng vào chiếc mũ rồi đặt cả lên đầu cậu bé làng Nurdagi trong tiếng ồ lên đầy lo lắng của khán giả.

- Trứng có đổ ra đầu Efekaan không? Trứng có biến mất không? Đây là ma thuật, ma thuật thực sự.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 10

Chiếc mũ "thần" trên đầu Efekaan. Đã đến lúc thế giới này cần một điều kỳ diệu...

Dứt lời, ông buông hẳn tay. Kỳ diệu là đầu của Efekaan vẫn hoàn toàn khô ráo. Cả khu phố bỗng vỡ òa trong tiếng vỗ tay không ngớt. Lũ trẻ cố ùa lên để xem “chiếc mũ thần” nhưng đều bị Mehmet cản lại trong tiếng cười vang vọng.

“Thế giới này vẫn cần ma thuật và những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy tin vào phép màu. Các cháu hãy cứ để trí tưởng tượng bay xa và đừng gò bó bởi thực tại hôm nay”, ông nói.

Những đứa trẻ bây giờ giống như nền xi-măng còn đang ướt. Chúng ta để lại dấu ấn gì thì nó sẽ lưu lại như thế trong tâm trí và trái tim các em. Những ký ức đau thương cần phải được xóa đi càng sớm càng tốt.

Sau màn ảo thuật, Mehmet mang ra một con rối lớn trong trang phục quý tộc cổ Thổ Nhĩ Kỳ để biểu diễn vở kịch lừng danh của quốc gia này mang tên Karagöz và Hacivat. Thế nhưng, thay vì sự phân tranh thiện ác như truyền thống, Mehmet lại kể cho các bạn nhỏ nghe những câu chuyện cổ tích về niềm hy vọng, niềm tin và sự sống. Thi thoảng, những chú rối trong tay ông lại nhảy múa hoặc hát vang lên trong niềm yêu thích của tất cả mọi người.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 11

Những câu chuyện cổ tích của Mehmet trên chiếc xe bán tải sẽ giúp hàn gắn tuổi thơ của những em bé vùng thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ngay sau động đất, tôi đã quyết định đi dọc 11 tỉnh bị ảnh hưởng để đem lại niềm vui cho lũ trẻ. Tôi đã đi qua Iskenderun, Samandag, Osmaniye, Afsin, Elbistan, Malatya, Adiyaman, Kahramanmaras… trước khi tới nơi này. Mỗi ngày, tôi sẽ diễn từ 7-8 lần để giúp lũ trẻ quên đi thực tế phũ phàng này. Trước đó, trong trận động đất năm 1999, tôi cũng đã làm việc tương tự”, Mehmet nói với phóng viên Báo Nhân Dân.

Trong các buổi diễn, Mehmet sẽ kể chuyện cổ tích, diễn ảo thuật, diễn múa rối… cho các em nghe. Bởi ông tin vào sức mạnh chữa lành của nghệ thuật.

Gánh xiếc dạo quanh tâm chấn và nỗ lực chữa lành tâm hồn trẻ thơ sau thảm họa động đất ảnh 12

Niềm vui bên gánh xiếc rong...

“Những đứa trẻ bây giờ giống như nền xi-măng còn đang ướt. Chúng ta để lại dấu ấn gì thì nó sẽ lưu lại như thế trong tâm trí và trái tim các em. Những ký ức đau thương cần phải được xóa đi càng sớm càng tốt. Tôi mong rằng, một chút ‘ma thuật’ và niềm vui này sẽ giúp các em vui vẻ hơn, sớm hòa nhập với xã hội và vượt qua ám ảnh của thảm họa thế kỷ. Tôi cũng hy vọng những đứa trẻ của chúng tôi sẽ có được nụ cười mà chúng đã bỏ lại phía sau. Bởi vì mỗi đứa trẻ là một thế giới. Trẻ em phải luôn vui vẻ. Và xét tới cùng, chính lũ trẻ sẽ là tương lai của cả Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi”, ông tiếp lời.

Video show diễn đặc biệt dành cho các khán giả nhí vùng tạm cư.

Ca diễn khép lại. Chung quanh, tiếng cười đùa vẫn rộ lên, ánh mắt những khán giả nhí long lanh và sáng bừng lên giữa một Nurdagi đổ nát, hoang tàn…. Mehmet lặng lẽ kéo cửa xe, nổ máy và tiếp tục hướng về địa phương sắp tới. Và chúng tôi tin, hành trình của ông sẽ không phải là cá biệt…

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria những ngày này, hàng trăm, hàng nghìn người khác vẫn đang tìm cách hàn gắn vết thương thảm họa cho trẻ thơ bằng những cách riêng của mình.

back to top