Gắn kết giáo dục nghề nghiệp và việc làm

Thời gian tới, hai lĩnh vực việc làm và đào tạo giáo dục nghề nghiệp cần hợp tác và kết nối chặt chẽ để triển khai tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Coivd-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáu tháng, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 645 nghìn người

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 645 nghìn người, đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng là 45 nghìn người (đạt 7,5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình giáo dục nghề nghiệp khác là 600 nghìn người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo 350 nghìn người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 40 nghìn người.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vào tháng 7 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để họ duy trì được việc làm.

Về tổ chức triển khai đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trước mắt, cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo.

Cơ quan này cũng tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ cho phép sử dụng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để tổ chức đào tạo đón đầu, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề và phòng, chống thất nghiệp.

Việc làm và giáo dục nghề nghiệp: Hợp tác và kết nối

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp và việc làm -0
Đào tạo tại Trường cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: viendong.edu.vn)

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này hiện đang triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Các địa phương đang xây dựng các kế hoạch triển khai chương trình này gửi Cục Việc làm tổng hợp, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Do đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tận dụng cơ hội để đưa các hoạt động vào chương trình phát triển thị trường lao động của địa phương.

TS Vũ Trọng Bình chia sẻ thêm, trong năm nay, cơ quan này cố gắng xây dựng dự báo cung - cầu lao động trong năm 2021 và trong 5 năm tới. Đại diện cơ quan này cũng kỳ vọng xây dựng được báo cáo thường niên về lĩnh vực này. Qua đó giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp có thông tin. Cơ quan này cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép phối hợp các hiệp hội giáo dục nghề nghiệp để trực tiếp huy động nguồn lực của họ, đưa ra được dự báo chi tiết đến từng lĩnh vực, địa bàn của Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu thông tin đầu vào cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Đại diện Cục Việc làm cũng chia sẻ, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và 63 sàn giao dịch việc làm ở các địa phương hiện nay rất thiếu thông tin đầu vào về lao động, nhân lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Không chỉ có sự kết nối của 63 trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương, mà cũng cần kết nối với các nhà cung ứng, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, để tạo hệ thống thông tin giao dịch việc làm chung, kết nối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, Cục Việc làm đang phối hợp chặt chẽ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục nghề nghiệp để xây dựng hệ thống kỹ năng nghề, bảo đảm cho các chứng chỉ kỹ năng nghề giúp cho thị trường lao động minh bạch, đáp ứng cung - cầu lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng hệ thống chứng chỉ cho lĩnh vực lao động phi chính thức, từng bước tiến tới chuẩn hóa thị trường lao động phi chính thức, giúp cho thị trường này minh bạch hơn và đỡ rủi ro và minh bạch hơn.

Trong thời gian tới, lĩnh vực việc làm và đào tạo giáo dục nghề nghiệp cần xác định hợp tác và kết nối. TS Vũ Trọng Bình cũng nhận định, trong thực tế, sự phối hợp ở các địa phương giữa giáo dục nghề nghiệp và việc làm chưa tốt. Ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm còn yếu. Trong các chương trình “Ngày hội Việc làm”, hầu như ít có kế hoạch hợp tác giữa các trung tâm dịch vụ việc làm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối với các chương trình “Ngày hội việc làm” hầu như không mất chi phí, nên cần tích cực đẩy mạnh hợp tác hai bên trong lĩnh vực này. Như vậy, mới có thể sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả.

Không chỉ các trường nghề, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động kết nối trong hoạt động về dịch vụ việc làm. Ở ngay địa phương, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cần tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp, với sự cùng vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời chủ động hỗ trợ họ xây dựng đề án.

* Để triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP về nội dung chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, cần đẩy mạnh truyền thông cho người sử dụng lao động hiểu và triển khai được chính sách này.

Lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng giúp đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19. Đây là thời cơ vàng với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động.

Lao động và việc làm