Việc đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới, cấp nước sạch trực tiếp từ hệ thống cấp nước, cũng đã giúp tiết kiệm khoảng hơn 50 tỷ đồng mỗi năm cho thành phố thay vì vận chuyển nước sạch bằng đường thủy như trước đây.
Khi đội thi công vừa hoàn thành gắn đồng hồ nước lấy nước trực tiếp từ mạng lưới của Sawaco thay cho đồng hồ cũ, ông Nguyễn Văn Tới (78 tuổi), ngụ Tổ 4, ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ liền mở vòi thử ngay. Dòng nước phụt lên, mát lạnh, làm ông Tới bất ngờ. Ông phấn khởi cho hay: “Mấy chục năm nay người dân ở đây sử dụng nguồn nước từ các trạm cung cấp tư nhân (vệ tinh) cho nên áp lực yếu lắm. Buổi chiều nước chảy rỉ rả, phải chờ lâu mới đủ nước tắm giặt trong khi nhà tôi có đến tám người. Giờ xí nghiệp gắn đồng hồ mới, nước lại mạnh quá chừng nên chúng tôi vui lắm”.
Kế bên, bà Nguyễn Thị Dương (66 tuổi) đang súc xả hàng chục lu sành để hứng nước mưa và nước máy dự trữ những lúc áp lực nước yếu. Bà Dương cho biết, năm 1998, lúc mới dọn về đây ở với con, nguồn nước máy chủ yếu mua từ các bồn chứa tập trung hay qua các trạm cung cấp tư nhân để ăn uống nấu nướng, sinh hoạt. Dần dần các hộ dân được gắn đồng hồ, nhưng nước quá yếu phải dùng máy bơm để bơm lên bồn trữ; mùa mưa thì trữ trong lu. “Được gắn đồng hồ trực tiếp từ Sawaco, giá nước ổn định, không còn phải tích trữ nữa. Mở vòi ra là nước đầy thùng nên nhà tôi ai nấy đều phấn khởi...”, bà Dương vui vẻ nói.
Theo Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, trong tháng 5 này, xí nghiệp gắn khoảng 300 đồng hồ nước tại xã Tam Thôn Hiệp, nâng số đồng hồ nước gắn mới tại xã này lên 400 và một phần là đồng hồ nước thông minh. Qua đó giúp tăng áp lực nước cho hầu hết các hộ dân đang dùng nguồn nước máy từ các trạm cung cấp tư nhân hoặc các hộ kinh doanh nước nhỏ lẻ, với giá nước do thành phố quy định.
Ngoài hộ dân địa phương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng được tăng áp lực nước nhờ gắn đồng hồ trực tiếp, giảm mạnh việc dùng máy bơm hay trữ nước để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Công Trà, chủ một cơ sở sản xuất yến sào tại xã Tam Thôn Hiệp cho biết, cơ sở của ông sử dụng khoảng 100 m3 nước mỗi tháng. Nguồn nước trước đây được phân phối từ các vệ tinh nên phải bơm và trữ sẵn, thỉnh thoảng ống cấp nước bị bể do cũ mục nên hay mất nước, rất khó khăn cho việc sản xuất yến. Từ khi được gắn đồng hồ mới từ Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, chất lượng nước ổn định cho hoạt động sản xuất, không phải chờ nguồn nước nữa.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, đến tháng 5/2024, ngành cấp nước thành phố đã hoàn thành phủ kín cơ bản mạng lưới cấp nước ở ba trong số bảy xã, thị trấn (xã Tam Thôn Hiệp, xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn), phủ kín khoảng 50% tại hai trong số bảy xã, thị trấn của huyện Cần Giờ (xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh); đang đầu tư phủ dần khu vực xã Bình Khánh (do vệ tinh Công ty cổ phần Quang Đạo và Công ty cổ phần Cấp nước Cần Giờ cung cấp).
Từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới cấp nước để thay thế dần hệ thống cấp nước của các trạm cung cấp tư nhân và một số khu vực chưa có đường ống cấp nước với tổng chiều dài đường ống đã lắp đặt thêm hơn 160 km, nâng tổng chiều dài đường ống mà Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã đầu tư lên hơn 200 km.
Ông Trần Văn Túc, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ cho biết: Địa bàn xã Tam Thôn Hiệp trước kia thuộc các trạm cung cấp tư nhân cung cấp nước và gắn đồng hồ. Tuy nhiên, từ nhu cầu và đề nghị của người dân nên Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ gắn đồng hồ nước cho người dân. Khi sử dụng hệ thống cấp nước từ hệ thống cấp nước của Tổng công ty, người dân được hưởng nhiều lợi ích hơn, như: Chất lượng nước bảo đảm, áp lực ổn định liên tục, giá nước theo quy định của thành phố và chất lượng phục vụ khách hàng tăng cao, đồng thời đơn vị thực hiện mở rộng kênh thu hộ tiền nước vì một số xã của huyện rất xa Văn phòng Xí nghiệp, có nơi cách đến 30 km.
Theo ông Túc, đến nay Xí nghiệp được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đầu tư trên địa bàn huyện Cần Giờ khoảng 95% số đồng hồ nước thông minh. Kết quả, đã gắn được 5.368/5.564 đồng hồ thông minh ở những khu vực có hệ thống cấp nước thuộc xí nghiệp quản lý. Với đồng hồ thông minh, xí nghiệp quản lý khách hàng bằng dữ liệu online; xây dựng hệ thống cảnh báo, nhắn tin tự động đến khách hàng các trường hợp nghi ngờ rò rỉ sau đồng hồ, đồng thời khách hàng có thể tự kiểm tra rò rỉ qua quy trình hướng dẫn của nhân viên.
Sắp tới, Tổng công ty sẽ phấn đấu phủ kín việc gắn đồng hồ nước thông minh trên địa bàn huyện đối với khu vực do Sawaco quản lý. Đồng thời từ nay đến sau năm 2025, Tổng công ty sẽ lập dự án cấp nước cho các khu dân cư lấn biển, Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành và một số dự án trọng điểm, qua đó bảo đảm cung cấp nước ổn định, liên tục. Do Cần Giờ là huyện vùng sâu, điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa, nhiều sông rạch nên thời gian qua Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cũng như địa phương đã nỗ lực rất lớn để đầu tư hoàn thiện dần mạng lưới cấp nước, hiện đại hóa công nghệ và bảo đảm phủ kín mạng lưới cung cấp nước sạch đến từng hộ dân trong huyện.
Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết: Một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý cũng như nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng của ngành cấp nước thành phố là lắp đặt thiết bị đồng hồ nước thông minh. Với đồng hồ nước này, các đơn vị cấp nước sẽ đo lưu lượng nước của khách hàng từ xa, từ đó truyền dữ liệu về hệ thống trung tâm quản lý. Đến nay, Sawaco đã thí điểm gắn hơn 40.000 đồng hồ nước thông minh tại một số khu vực trên địa bàn thành phố, trong đó có khu vực huyện Cần Giờ.