Gần bảy tấn cá nuôi trên sông ở Thanh Hóa bị chết

NDO -

NDĐT - Ngày 17-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhận được thông tin về tình hình cá chết trên sông Chu, các ngành chức năng cấp tỉnh đã xuống cơ sở nắm tình hình, tìm nguyên nhân.

Lồng nuôi cá trên sông Chu của nhân dân ở huyện Thọ Xuân
Lồng nuôi cá trên sông Chu của nhân dân ở huyện Thọ Xuân

Theo báo cáo của các xã và huyện Thọ Xuân, khoảng 2 đến 3 giờ sáng 16-3, đã có hiện tượng cá nuôi trong lồng của 31 hộ nuôi cá lồng trên sông Chu ở xã Xuân Thiên và xã Thọ Lâm bị chết hàng loạt, chủ yếu là cá trắm cỏ.

Bước đầu, chính quyền cơ sở, các hộ nuôi cùng các cơ quan chức năng xác định 31 hộ nuôi cá lồng đạt sản lượng khoảng gần 18 tấn cá trắm cỏ thì có tới gần bảy tấn cá bị chết. Trong đó, xã Xuân Thiên có 4.095 kg cá bị chết của 21 hộ nuôi cá lồng; xã Thọ Lâm 2.820 kg cá của 10 hộ nuôi bị chết. Kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá, cán bộ chuyên môn không thấy cá bị xuất huyết hậu môn, mang, nội tạng cá bình thường, không có xuất huyết, tụ huyết bất thường và ghi nhận thủy sản không dấu hiệu bệnh tích nào.

Gần bảy tấn cá nuôi trên sông ở Thanh Hóa bị chết ảnh 1

Cá nuôi trong lồng bị chết.

Quan sát trên sông, nhân dân cùng các cơ quan chức năng phát hiện có nhiều loại cá, tôm, một số loài thủy sinh tự nhiên cũng bị chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm cá chết, mẫu môi trường nước gửi Chi cục Thú y vùng III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xét nghiệm xác định nguyên nhân cá chết.

Gần bảy tấn cá nuôi trên sông ở Thanh Hóa bị chết ảnh 2

Nước trên sông Chu thời điểm thủy sinh bị chết.

Cùng ngày, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa xuống hiện trường truy tìm các nguồn thải xuống sông Chu, lấy ba mẫu nước để phân tích chất lượng.

Gần bảy tấn cá nuôi trên sông ở Thanh Hóa bị chết ảnh 3

Nông hộ be bờ, san, chống cá chết.

Hiện, UBND huyện Thọ Xuân chỉ đạo các xã, thôn tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Các cán bộ chuyên môn hướng dẫn hộ nuôi thu gom thủy sản chết, tiêu hủy theo quy trình hướng dẫn; san thưa, di chuyển lồng nuôi, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh thủy sản và khuyến cáo nông hộ chưa thả nuôi thêm thủy sản khi chưa xác định rõ nguyên nhân cá chết.