Là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng để có điện sinh hoạt, gia đình ông Lý Văn Toàn, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến phải dùng máy phát điện mini bằng sức nước từ con suối gần nhà. Khi trời mưa to, máy phát điện mini hư hỏng, đứt dây, bị rác cuốn, gia đình lại phải sử dụng đèn dầu. Nếu không hư hỏng thì chỉ sử dụng được mấy bóng đèn công suất nhỏ. Bên cạnh đó, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng máy phát điện mini cũng luôn hiện hữu.
Ông Lý Văn Toàn cho biết: “Không có điện lưới quốc gia thì không thể sử dụng máy móc để phát triển sản xuất. Do sử dụng nguồn điện từ máy phát điện mini nên nhiều thiết bị điện như ti-vi, tủ lạnh, máy nông nghiệp khó sử dụng, có sử dụng được thì nhanh hỏng bởi nguồn điện không ổn định. Những tháng mùa khô, nước suối cạn, máy cũng không hoạt động được”.
Thôn Xà Phìn có hơn 50 hộ thì có hơn 30% hộ dân dùng máy phát điện mini, các hộ còn lại có điều kiện hơn thì góp tiền kéo điện từ thôn Nà Màu về sử dụng. Người dân tự bỏ tiền kéo điện từ thôn cách xã 5km về sử dụng, dẫn đến điện năng tiêu hao, nguồn điện không ổn định nên khó khăn trong sản xuất. Cả thôn chỉ có một chiếc máy xay sát nhưng không sử dụng được điện mà phải dụng dầu, nay giá dầu tăng cao nên máy xay sát cũng không hoạt động.
Không có điện lưới quốc gia, điểm trường mầm non thôn Xà Phìn cũng phải kéo nhờ điện nhà người dân để phục vụ việc dạy học. Điểm trường chỉ có 20 cô trò nhưng chỉ dùng một bóng đèn chiếu sáng và một chiếc quạt treo tường. Cô Vàng Thị Hương, giáo viên điểm trường tâm sự: “Giáo viên điểm trường muốn sử dụng các thiết bị điện như: tivi, máy chiếu, loa đài để nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhưng do điện yếu, chập chờn nên không dùng được”.
Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, cho biết: “Xã còn 4 thôn vùng cao: Nà Màu, Mào Phìn, Xà Phìn, Nặm Tẹ có 286 hộ người dân tộc Dao thiếu điện lưới quốc gia. Do đó, việc tiếp cận thông tin của người dân hạn chế, các hộ dân ở các thôn không có điện hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, việc phát triển kinh tế, xã hội, duy trì các tiêu chí nông thôn mới gặp không ít khó khăn”.
Điều đáng nói, ngày từ năm 2019, tại xã Phương Tiến đã triển khai dự án cấp điện cho 4 thôn vùng cao gồm: Nà Màu, Mào Phìn, Xà Phìn, Nặm Tẹ. Dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Xuyên làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, mục tiêu cấp điện cho khoảng 300 hộ dân vùng cao. Khi công trình khởi công, người dân vui mừng góp công, góp sức, hiến đất dựng cột nhằm hỗ trợ cho đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình.
Đến nay, công trình cơ bản hoàn thành, đường điện đã kéo về tận các thôn nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng điện. Ông Đặng Văn Háu, Trưởng thôn Xà Phìn cho biết: “Công trình cơ bản đã hoàn thành từ mấy năm nay, thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương sớm cấp điện cho người dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Chính quyền huyện Vị Xuyên cũng đã có văn bản hứa với dân đóng điện từ tháng 4/2020, nhưng không biết vì lý do gì đến giờ vẫn chưa đóng điện cho dân”.
Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Xuyên cho biết, hiện đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghiệm thu công trình. Các chỉ số đo tiếp địa, kỹ thuật chống sét vẫn chưa hoàn thành. Chủ đầu tư đã nhiều lần thúc giục nhưng đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thành để nghiệm thu cấp điện cho dân”.
Theo quy định, đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn điện đạt 95% trở lên.
Tại Hà Giang, năm 2021, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thu hồi quyết định đạt chuẩn nông thôn mới với 2 tiêu chí không đạt, trong đó có tiêu chí điện. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên cần kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân chậm trễ để khắc phục nhằm sớm đóng điện cho các thôn vùng cao của xã nông thôn mới Phương Tiến.