Theo báo cáo này, tại 86 quốc gia, phụ nữ phải đối mặt với một số hình thức hạn chế họ làm việc và 95 quốc gia không bảo đảm trả lương bình đẳng cho công việc tương tự.
Trên toàn cầu, phụ nữ mới chỉ có 3/4 các quyền hợp pháp nam giới được hưởng-với số điểm tổng hợp là 76,5 trên 100 điểm, 100 điểm biểu thị sự ngang bằng hoàn toàn về mặt pháp lý.
Bà Mari Pangestu, Tổng Giám đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, khoảng cách giữa thu nhập cả đời dự kiến của nam giới và phụ nữ trên toàn cầu là 172 nghìn tỷ USD-gần gấp hai lần GDP hằng năm của thế giới. Khi chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển xanh, thích ứng và bao trùm, các chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ cải cách pháp lý để phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng của mình và được hưởng lợi một cách đầy đủ và bình đẳng”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, mặc dù đại dịch toàn cầu tác động không đồng đều đến cuộc sống và sinh kế của phụ nữ, 23 quốc gia đã cải cách pháp lý trong năm 2021 để thực hiện các bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế của phụ nữ.
Điểm mới trong năm nay là cuộc khảo sát thí điểm tại 95 quốc gia về quy định pháp lý trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em-một lĩnh vực quan trọng cần được hỗ trợ để phụ nữ đạt được thành công trong những công việc được trả lương. Một phân tích thí điểm về tác động của việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến trao quyền kinh tế cho phụ nữ cho thấy có sự khác biệt giữa các quy định trên giấy tờ và thực tế mà phụ nữ phải trải qua.
Trên toàn cầu, số lượng cải cách được thực hiện nhiều nhất đối với các chỉ số về Thai sản, Lương và Môi trường làm việc. Nhiều cải cách tập trung vào bảo vệ chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cấm phân biệt đối xử về giới, tăng thời gian nghỉ có lương cho các cha mẹ mới sinh con và dỡ bỏ các hạn chế việc làm đối với phụ nữ.
Theo Ngân hàng Thế giới, 118 nền kinh tế bảo đảm các bà mẹ được hưởng 14 tuần nghỉ phép có trả lương. Hơn một nửa (114) nền kinh tế được khảo sát cho phép người cha được nghỉ phép có lương, nhưng thời gian trung bình chỉ kéo dài một tuần.
Báo cáo này cũng đánh giá các chỉ số Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật trên thực tế ở 25 nền kinh tế. Phân tích về thực thi pháp luật cho thấy còn khoảng cách lớn giữa các quy định pháp luật trên giấy và hiệu lực thực thi pháp luật. Chỉ riêng luật pháp là chưa đủ để cải thiện bình đẳng giới; các yếu tố tác động không chỉ bao gồm việc thực hiện và thực thi pháp luật mà còn cả các chuẩn mực xã hội, văn hóa và tôn giáo.
Bà Carmen Reinhart, Phó Chủ tịch Cao cấp kiêm Chuyên gia Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Phụ nữ không thể đạt được bình đẳng ở nơi làm việc nếu họ không bình đẳng ở nhà. Điều đó có nghĩa cần tạo môi trường bình đẳng và bảo đảm rằng việc có con không cản trở việc tham gia đầy đủ vào nền kinh tế và hiện thực hóa hy vọng và tham vọng của người phụ nữ”.
Báo cáo Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật năm 2022 đo lường mức độ ảnh hưởng của luật và các quy định tại 190 quốc gia trong 8 lĩnh vực liên quan đến cơ hội kinh tế của phụ nữ-bao gồm khả năng tự do đi lại, môi trường làm việc, lương, kết hôn, thai sản, khởi nghiệp, tài sản, và chế độ hưu trí. Bộ dữ liệu giúp xây dựng các tiêu chuẩn khách quan và có thể dùng để đo lường sự tiến bộ toàn cầu về bình đẳng giới. Chỉ có 12 quốc gia, tất cả đều là thành viên của OECD, đạt được bình đẳng giới về mặt pháp lý.