Diễn đàn thu hút gần 200 đại biểu đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cũng như các hiệp hội/hội/câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, một năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thế giới đầy biến động là sự kiên cường và khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp do các doanh nhân nữ làm chủ. Các chị em có thể trụ vững trong đại dịch Covid-19 và lo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn nhân công.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho hay: “Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ không thể phát triển thịnh vượng và bền vững nếu thiếu đi một nền tảng vững chắc, đó là bình đẳng giới, cũng như thiếu đi sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ”.
Trưởng Đại diện của UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz chia sẻ: “Một nửa dân số thế giới là phụ nữ, do đó, nền kinh tế không khai thác hết năng lực của phụ nữ sẽ lãng phí một nửa nguồn nhân lực. Tận dụng đầy đủ tiềm năng tham gia kinh tế của phụ nữ không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là một chiến lược thông minh về kinh tế.”
Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.