Gần 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp mỗi năm

NDO -

Thời gian làm việc kéo dài, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với chất gây ung thư và tiếng ồn là những nguyên nhân hàng đầu khiến gần 2 triệu người chết mỗi năm vì các tác nhân liên quan đến công việc, theo một báo cáo tổng hợp của các cơ quan Liên hợp quốc công bố ngày 17/9.

Người lao động làm việc tại một nhà máy chế tác đồ trang sức ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Người lao động làm việc tại một nhà máy chế tác đồ trang sức ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu về chủ đề này, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện.

Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động là nguyên nhân gây ra cái chết của 1,9 triệu người vào năm 2016.

Nghiên cứu đánh giá 19 yếu tố rủi ro nghề nghiệp, bao gồm thời gian làm việc kéo dài, điều kiện tại nơi làm việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí, các chất gây hen phế quản nghề nghiệp, chất gây ung thư và tiếng ồn.

Báo cáo cho thấy các trường hợp tử vong liên quan bệnh nghề nghiệp đặc biệt đáng kể ở nhóm người lao động tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, cũng như ở nam giới và những người trên 54 tuổi.

Nghiên cứu được phát triển dựa trên những phát hiện trước đó của WHO, rằng thời gian làm việc kéo dài khiến đột quỵ xảy ra và bệnh tim trầm trọng hơn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 745 nghìn người mỗi năm.

Báo cáo cũng chỉ ra một tác nhân “giết người” thầm lặng khác tại nơi làm việc là tiếp xúc với ô nhiễm không khí, như khí gas và khói, cũng như các hạt nhỏ li ti trong khí thải công nghiệp.

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 450 nghìn ca tử vong trong năm 2016. Ngoài ra, tai nạn nghề nghiệp cũng khiến 360 nghìn người chết.

Tuy nhiên, Frank Pega, chuyên gia kỹ thuật của WHO cho biết, những nguyên nhân tử vong khác bao gồm cả thiệt mạng do nhiệt độ tăng liên quan biến đổi khí hậu, cũng như các bệnh truyền nhiễm gồm Covid-19 hiện vẫn chưa được tính đến trong báo cáo.

“Những số liệu thật sự gây sốc khi có quá nhiều người đã chết bởi những tác nhân liên quan đến công việc của mình”, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Ông hy vọng báo cáo này sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả.

Về mặt tích cực, báo cáo cho thấy, số người chết vì bệnh nghề nghiệp so với quy mô dân số đã giảm 14% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016, phản ánh những cải thiện về sức khỏe người lao động và an toàn tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra gánh nặng bệnh tật liên quan đến công việc lại tăng lên đáng kể so với ước tính.