Gần 18 triệu người trên thế giới đã hồi phục

NDO -

Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến 7 giờ 30 phút ngày 1-9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 25,6 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 17,92 triệu người được ghi nhận đã hồi phục.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Theo TTXVN, trường Đại học Johns Hopkins cho biết nước Mỹ đã ghi nhận thêm 35.000 ca nhiễm mới trong ngày 30-8, mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ hôm 23-8. 

Dịch Covid-19 đã có dấu hiệu giảm bớt ở những bang bị ảnh hưởng nặng nề như California và Florida. Tại bang có số ca mắc cao nhất nước Mỹ là California đã ghi nhận số ca nhiễm mới hôm 30-8 dưới 4.000 ca, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

Tương tự, số ca nhiễm mới hôm 30-8 ở bang Florida đã dưới 2.600 ca, mức thấp nhất trong 6 ngày trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 15.000 ca nhiễm mới ghi nhận tại đây hôm 12-7 vừa qua.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, một số bang vẫn có số ca nhiễm mới tính theo ngày khá cao như Texas (2.800 ca), Illinois (2.000 ca), các bang Alabama, Georgia, Louisiana, Michigan, Missouri, Bắc Carolina và Nam Carolina đều ghi nhận hơn 1.000 ca mới mỗi ngày.

Trong khi đó, ở phía Bờ Đông nước Mỹ, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy tuyên bố ngày 31-8 sẽ cho hàng quán được phép để thực khách ăn uống trong nhà kể từ ngày 4-9 với điều kiện chỉ được phép đón khách ở mức 25% sức chứa của nhà hàng.

Còn tại thành phố New York, thị trưởng Bill de Blasio ngày 31-8 cho biết vẫn chưa thể ra quyết định tương tự.

Các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng đang nỗ lực để có thể mở lại các lớp học trực tiếp mà vẫn đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Hiện nhiều trường mở lại bằng cách kết hợp vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến, nhưng cũng có những trường buộc phải học trực tuyến hoàn toàn.

Theo TTXVN, sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, toàn bộ học sinh từ lớp 5 trở lên và giáo viên giảng dạy tại bang Bayern (Đức) sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học trong 9 ngày.

Đây là thông báo được Thủ hiến bang Bayern Markus Söder đưa ra ngày 31-8 sau khi tiến hành tham vấn với đại diện phụ huynh, giáo viên và học sinh ở Munich.

Tại bang Bayern, các lớp học sẽ bắt đầu lại vào ngày 8-9 tới sau kỳ nghỉ hè. Thông báo nêu rõ chỉ học sinh cấp tiểu học mới không phải thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc.

Theo Thủ hiến Markus Söder, việc đeo khẩu trang bắt buộc vào đầu năm học là một phần trong chiến lược đảm bảo các điều kiện vệ sinh ở bang miền Nam này nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại các trường học ngay cả trong dịch Covid-19.

Ông nhấn mạnh mục đích của quy định này là để duy trì công tác giảng dạy và các buổi học thường xuyên theo cách tốt nhất. Ngoài ra, để giảm thiểu và hạn chế nguy cơ lây nhiễm mới, các học sinh cũng sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang trong các tòa nhà và bất cứ nơi nào không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m.

Trong trường hợp một vùng nào đó thuộc bang Bayern vẫn ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau 9 ngày, chính quyền bang cũng có thể sẽ tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học.

Hiện chính quyền bang Bayern đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi công cộng không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m như trong siêu thị, cửa hàng...

Đối với những trường hợp bị bắt quả tang không thực hiện quy định đeo khẩu trang sẽ phải chịu mức phạt tiền 250 EUR cho lần đầu vi phạm và có thể tăng gấp đôi nếu bị bắt lần thứ hai.

Theo TTXVN, ngày 31-8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là "cách làm dẫn tới thảm họa."

Ông Tedros thừa nhận rằng nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch Covid-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO khẳng định: "Chúng tôi muốn thấy trẻ em được trở lại trường học và người dân trở lại với nơi làm việc, song chúng tôi muốn thực hiện điều này một cách an toàn. Không một quốc gia nào nên giả bộ như đại dịch đã kết thúc. Thực tế là virus (SARS-CoV-2) lây lan vô cùng dễ dàng. Mở cửa mà thiếu kiểm soát là một cách làm dẫn tới thảm họa."

Ngoài ra, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng bệnh Covid-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.

Cũng tại cuộc họp báo trên, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng mặc dù mỗi quốc gia đều có quyền cấp phép cho lưu hành các loại thuốc mà không cần trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ, "song đó không phải là điều để bạn xem nhẹ."

Cũng theo TTXVN, ngày 31-8, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông báo khoản đóng góp 400 triệu euros (tương đương 476 triệu USD) cho một sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu để mua các loại vaccine Covid-19 nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng trên thế giới theo sáng kiến COVAX.

Chủ tịch  EC, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc đóng góp cho sáng kiến COVAX nhằm mục đích hợp tác cùng cộng đồng quốc tế cung cấp vaccine cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Cũng theo EC, cùng với các nước Liên minh châu Âu (EU), EC đã sẵn sàng sử dụng mọi kinh nghiệm và nguồn lực của mình trong khuôn khổ sáng kiến COVAX để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và xây dựng chuỗi cung ứng vắcxin của toàn cầu để đảm bảo sản phẩm này đến với mọi người dân trên thế giới.

Sáng kiến COVAX do liên minh vaccine quốc tế GAVI điều phối nhằm kêu gọi tài trợ từ các nhà từ thiện lớn, các quốc gia giàu có và ngành công nghiệp dược phẩm mua 2 tỷ liều vaccine của một số hãng sản xuất tiềm năng trên thế giới vào cuối năm 2021.

Cho đến nay, COVAX đã nhận được được hơn 600 triệu USD tài trợ và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ 30 phút ngày 1-9:

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường

10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 6.210.979 ca mắc, 187.713 ca tử vong
2. Brazil: 3.910.901 ca mắc, 121.515 ca tử vong
3. Ấn Độ: 3.687.939 ca mắc, 65.435 ca tử vong
4. Nga: 995.319 ca mắc, 17.176 ca tử vong
5. Peru: 647.166 ca mắc, 28.788 ca tử vong
6. Nam Phi: 627.041 ca mắc, 14.149 ca tử vong
7. Colombia: 615.168 ca mắc, 19.663 ca tử vong
8. Mexico: 595.841 ca mắc, 64.158 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 462.858 ca mắc, 29.094 ca tử vong
10. Argentina: 417.735 ca mắc, 8.660 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:

1. Philippines: 220.819 ca mắc, 3.558 ca tử vong
2. Indonesia: 174.796 ca mắc, 7.417 ca tử vong
3. Singapore: 56.812 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 9.340 ca mắc, 127 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.412 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 1.044 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Myanmar: 882 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Campuchia: 274 ca mắc
9. Brunei: 144 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 22 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

1. Bắc Mỹ: 7.354.813 ca mắc, 271.108 ca tử vong
2. Châu Á: 7.086.177 ca mắc, 142.482 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 6.311.467 ca mắc, 202.339 ca tử vong
4. Châu Âu: 3.581.970 ca mắc, 207.397 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.257.315 ca mắc, 29.862 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 28.476 ca mắc, 681 ca tử vong