Gam mầu bớt u ám ở Xứ sở sương mù

Nền kinh tế tạm thoát nguy cơ suy thoái, lạm phát giảm và thị trường lao động phục hồi là những ghi nhận tương đối tích cực ở Vương quốc Anh. Những dấu hiệu trên, dù còn khá mong manh, cũng giúp bức tranh kinh tế Xứ sở sương mù bớt gam mầu u ám.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu chợ tại trung tâm London, Anh. (Ảnh: Reuters)
Một khu chợ tại trung tâm London, Anh. (Ảnh: Reuters)

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa công bố số liệu cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng của nước này trong tháng 1/2023 giảm mạnh hơn dự báo, xuống 10,1%, so với mức 10,5% của tháng 12/2022, qua đó tiếp tục rời xa mốc 11,1% của tháng 10/2022, vốn là mức cao kỷ lục 41 năm qua. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng Reuters chỉ dám dè dặt dự báo CPI của Anh có thể giảm xuống 10,3% trong tháng 1 năm 2023.

Theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi - không bao gồm năng lượng, thực phẩm, rượu bia và thuốc lá - trong tháng 1 đạt 5,8%, giảm so với mức 6,3% của tháng cuối cùng năm 2022. Giá dịch vụ trong tháng đầu năm 2023 đạt 6%, giảm so mức 6,8% của tháng trước đó.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt không giấu được niềm vui trước những tín hiệu tích cực về tình hình lạm phát, song vẫn thận trọng cho rằng cuộc chiến chống lạm phát còn kéo dài. Vị thuyền trưởng của Bộ Tài chính Anh kêu gọi người dân và doanh nghiệp không lơ là và chủ quan, bởi "bóng ma" lạm phát có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Ông nhấn mạnh, lạm phát đang kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế nước này, ảnh hưởng tiêu cực đến các gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh vẫn đặt niềm tin vào việc đạt mục tiêu giảm 50% mức lạm phát, giảm nợ công và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Sau khi ONS công bố số liệu trên, giá đồng bảng Anh ngay lập tức đã giảm so với đồng USD. Các nhà đầu tư dự đoán Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới, song BoE tuyên bố sẽ ngừng tăng lãi suất khi giá tiêu dùng có xu hướng giảm.

Bên cạnh thông tin tốt về lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong ba tháng cuối năm 2022 ở mức thấp 3,7% cũng đóng góp tín hiệu tốt về khả năng phục hồi của thị trường lao động Anh. Trong thời điểm khó khăn mà tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở gần mức thấp kỷ lục là một dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ của thị trường lao động Xứ sở sương mù. Theo số liệu của ONS, tiền lương (chưa bao gồm thưởng) đã tăng 6,7% trong quý IV/2022, nhưng lại giảm 2,5% khi tính đến yếu tố lạm phát.

Giám đốc bộ phận thống kê kinh tế của ONS, chuyên gia Darren Morgan nêu rõ, do giá cả tăng cao nên tốc độ tăng lương bị chậm lại, vấn đề đã gây ra các cuộc đình công tại Anh thời gian gần đây. Do đó, để cải thiện chất lượng cuộc sống và chi tiêu của người lao động, điều cần làm hiện nay là đưa mục tiêu giảm 50% lạm phát trở thành hiện thực. Đây cũng chính là biện pháp "tăng lương" thiết thực nhất đối với người lao động.

Nền kinh tế Anh vừa ngoạn mục thoát nguy cơ suy thoái khi đạt mức tăng trưởng 0% trong quý cuối cùng của năm 2022, sau khi giảm 0,2% vào quý III/2022. Trên lý thuyết, một nền kinh tế rơi vào suy thoái nếu tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Việc tránh rơi vào suy thoái giúp vị thế của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới không bị lung lay trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia Darren Morgan, nền kinh tế Anh "co lại" đáng kể trong tháng 12 năm ngoái nghĩa là xét về tổng thể, ba tháng cuối năm 2022 không có tăng trưởng.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo nước này rơi vào suy thoái kéo dài, nhưng không nghiêm trọng, đồng thời nhận định suy thoái có thể bắt đầu ngay từ quý I/2023 và kết thúc vào giữa năm sau. Tính chung năm 2022, tăng trưởng GDP của Anh đạt 4%, vẫn thấp hơn mức 7,6% của năm 2021.

Dù ghi nhận một số tín hiệu khả quan nhưng nền kinh tế Anh vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước. Giới chức, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp của Xứ sở sương mù còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại, bởi Vương quốc Anh là thành viên nhóm G7 duy nhất chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19.