Gạc Ma, ký ức không bao giờ quên

NDO -

“Chỉ mong và gửi gắm một điều rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mãi mãi không bao giờ quên sự quả cảm của 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đến giây phút cuối cùng”, Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc, vợ của liệt sĩ Trần Văn Phòng, xúc động nói.

Lễ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức tại phường Thọ Quang, vịnh Đà Nẵng.
Lễ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức tại phường Thọ Quang, vịnh Đà Nẵng.

Sáng 14/3, trời Đà Nẵng xanh trong. Đã rất nhiều năm qua, cứ đến ngày này, cựu binh Trần Văn Tiến cùng các cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải quân) và anh em, đồng đội lại sắp xếp công việc, thời gian để tổ chức thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động "uống nước nhớ nguồn" nhằm tưởng nhớ, tri ân liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ quốc, đồng thời là hoạt động để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc tổ chức tưởng niệm đồng đội được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang nghiêm. Đây cũng là dịp để các cựu binh Trường Sa và thân nhân các liệt sĩ cùng ngồi lại, tưởng nhớ về người thân, đồng đội.

Đến địa điểm tổ chức buổi thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức tại phường Thọ Quang, ngay vịnh Đà Nẵng, Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc, vợ của liệt sĩ Trần Văn Phòng, thắp hương nhớ chồng và đồng đội. Chưa khi nào, trong trái tim chị, vắng đi bóng dáng của chồng và những ký ức chưa bao giờ nguôi ngoai. Đó là ký ức đỏ với sự hy sinh bất tử của 64 cán bộ, chiến sĩ trong sự kiện Gạc Ma, trong đó có liệt sĩ Trần Văn Phòng, chồng chị. Xúc động và tự hào vì đến ngày này, chị thường nhìn về biển, nơi xa đó, máu của chồng chị đã đổ xuống, góp phần tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc.

“Con gái đầu lòng của vợ chồng tôi vừa tròn một tuổi thì anh ấy nhận nhiệm vụ vào Nha Trang để ra đảo Trường Sa xây dựng đảo rồi hy sinh. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã rất quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma. Bản thân tôi vừa là thân nhân, vừa là đồng chí, đồng đội, tôi thật sự xúc động. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam mà các thế hệ cha anh chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ. Chỉ mong và gửi gắm một điều rằng, thế hệ trẻ không ngừng học tập, nghiên cứu, kế tục truyền thống hào hùng của cha anh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc gửi gắm.

Gạc Ma, ký ức không bao giờ quên ảnh 1
Buổi lễ được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang nghiêm.

Từ Quảng Nam ra Đà Nẵng rất sớm để thắp hương cho em trai mình là liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, ông Nguyễn Bá Hùng, anh ruột liệt sĩ Nguyễn Bá Cường cầm chặt chiếc mũ xanh đã sờn vải với dòng chữ "Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma".

Ông tâm sự, dù 34 năm thấm thoắt trôi qua, thời gian giúp gia đình ông nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất người thân nhưng cũng rất đỗi tự hào về người em út của gia đình. "Nhà có 3 anh em, đều phục vụ trong quân ngũ. Cường là con trai út trong nhà. Năm 1980, em nó thi đậu Đại học Tổng hợp Đà Lạt ngành Vật lý. Học được một năm, Cường về xung phong đi bộ đội. Gia đình khuyên, cứ học hết đã rồi tính nhưng em cứ nằng nặc đòi đi, lén gia đình ra xã đăng ký nhập ngũ. Út Cường hy sinh khi còn rất trẻ, tháng ba về, cả nhà nhớ em rất nhiều”, ông Hùng xúc động nói.

Thành kính thắp hương tưởng nhớ đồng đội, Đại tá Nguyễn Văn Khánh, nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân Việt Nam, khẳng định: "Thế hệ trẻ không được phép lãng quên sự anh dũng hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ tại sự kiện Gạc Ma năm 1988. Hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin, thông tin đa chiều, các bạn trẻ cần tiếp cận thông tin có chọn lọc, phân biệt được đúng sai để từ đó có định hướng, sống có hoài bão và lý tưởng. Phải luôn xác định rằng dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều này là bất biến. Tôi mong và tin tưởng rằng thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục đấu tranh để bảo vệ chủ quyền nhưng phải đấu tranh bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh, biết chọn lọc thông tin chính thống, chuẩn xác".

Gạc Ma, ký ức không bao giờ quên ảnh 2
Thế hệ trẻ Đà Nẵng tri ân tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại sự kiện Gạc Ma.

Tự hào, biết ơn và trân trọng sự hy sinh anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của các cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại sự kiện Gạc Ma, ngày 14/3 là ngày mà những cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời. Đó là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh lớn lao ấy, là lời nhắc nhớ để nhiều thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau, biết tri ân và tiếp bước để nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu, vững vàng tiếp nối truyền thống của cha anh lớp trước, gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa không khí thiêng liêng, các cựu chiến binh cùng người thân đã thành kính dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Bài Quốc ca được các cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 83 và thân nhân hát lên trong hương trầm nghi ngút. Thắp nén hương tưởng nhớ, chào đồng đội bằng quân lệnh, tất cả như muốn gửi hết về biển, để sóng biển Hoàng Sa mang đến Trường Sa - Nơi các anh đã mãi mãi nằm lại khi tuổi còn rất trẻ, với khát vọng sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, vì độc lập dân tộc, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.