Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Ukraine lên “CC”

NDO - Ngày 17/8, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng của Ukraine từ “vỡ nợ hạn chế” lên “CC”, sau khi nước này tiến hành tái cơ cấu nợ nước ngoài vào tuần trước.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng rào chống tăng trên đường phố Kiev, Ukraine, ngày 7/3/2022. (Ảnh: Reuters)
Hàng rào chống tăng trên đường phố Kiev, Ukraine, ngày 7/3/2022. (Ảnh: Reuters)

Các chủ nợ nước ngoài của Ukraine đã nhất trí với việc đóng băng các khoản thanh toán gần 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của nước này, cho phép Ukraine tránh được tình trạng vỡ nợ.

Theo thông cáo của Fitch Ratings, gần 6 tỷ USD tiền gốc và lãi trái phiếu châu Âu của Ukraine sẽ được trả chậm trong 24 tháng, làm giảm bớt áp lực trả nợ nước ngoài của Ukraine, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối hạn chế và nhu cầu chi tiêu cao cho các yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh xung đột với Nga.

Theo đó, việc tái cơ cấu này đã nhận được sự đồng ý của 75% chủ nợ (tính theo tổng số tiền gốc), cao hơn mức tối thiểu 66,7% theo yêu cầu từ Fitch.

Cuối tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm này đã hạ xếp hạng của Ukraine xuống mức “vỡ nợ hạn chế”, sau khi đánh giá nước này đang gặp khó khăn trong tái cơ cấu nợ.

Tuy nhiên, Fitch cũng đánh giá, bất chấp việc thu xếp tạm thời trên, xếp hạng “CC” phản ánh những rủi ro về tính bền vững của các khoản nợ chưa được giải quyết, do ảnh hưởng từ xung đột và tình hình tài chính và kinh tế vĩ mô căng thẳng ở Ukraine.

Theo dự báo của Fitch, nếu xung đột kéo dài sang năm 2023, nợ công của Ukraine sẽ vượt mức 100% GDP, làm tăng thêm chi phí vốn đã rất lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy lạm phát và áp lực tài chính từ bên ngoài gia tăng.

Fitch dự báo, nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 33% trong năm nay, với mức phục hồi chỉ vào khoảng 4% trong năm 2023.

Xung đột đã khiến dòng người di cư ra nước ngoài tăng lên 6,1 triệu người, trong khi ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng vượt quá 100 tỷ USD (75% GDP). Chính phủ Ukraine dự kiến ​​chi phí cho nhu cầu tái thiết trong 10 năm tới vào khoảng 750 tỷ USD.

Dự báo lạm phát sẽ tăng tốc từ 22,2% vào tháng 7 lên 30,0% vào cuối năm 2022 do khó khăn về tài chính, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đồng hryvnia mất giá. Lạm phát vẫn tiếp tục ở mức cao trong năm 2023, với mức trung bình là 20,0%.

Chỉ trong vòng 4 tháng, dự trữ ngoại hối của Ukraine giảm mạnh từ mức 28,1 tỷ USD trong tháng 3 xuống còn 22,4 tỷ USD vào cuối tháng 7.

Chi tiêu ngân sách liên quan đến các hoạt động trong thời chiến tăng vọt, dẫn đến thâm hụt tài khóa cao kỷ lục. Fitch dự báo thâm hụt của Chính phủ Ukraine nói chung sẽ tăng lên 28,6% GDP trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong năm 2023, vào khoảng 21,9%.

Nợ chính phủ dự báo ​​sẽ tăng lên 94% GDP vào cuối năm 2022 (không bao gồm bảo lãnh chính phủ, khoảng 8% GDP) và 103% vào cuối năm 2023.

Với mức thâm hụt tài chính hằng tháng vào khoảng 5 tỷ USD, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính nước ngoài từ các đồng minh phương Tây và các tổ chức cho vay đa phương, bao gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Ukraine, cho đến nay, nước này đã nhận được 12,7 tỷ USD cho vay và tài trợ, trong khi tổng viện trợ ngân sách cam kết cho đến cuối năm nay là gần 15 tỷ USD, mới chỉ bù đắp được hơn một nửa thâm hụt ngân sách trong nửa đầu năm 2022.

Do đó, theo Fitch, trước nhu cầu tài chính cực kỳ lớn trong năm 2023, Ukraine vẫn phải chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ đa phương và song phương, dẫn đến nước này có thể sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu nợ trong tương lai để tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ ngân sách.

Giới chức Mỹ vừa tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm 4,5 tỷ USD cho Chính phủ Ukraine, nâng tổng hỗ trợ ngân sách cho Kiev kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine lên 8,5 tỷ USD.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine cho biết, nước này cũng đặt mục tiêu đàm phán với IMF về 1 gói tài chính trị giá từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Dự kiến, ​​Ukraine sẽ nhận được khoản hỗ trợ này trước cuối năm nay.