FIFA đề xuất các biện pháp phạt bắt buộc đối với hành vi kỳ thị, phân biệt chủng tộc

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) sẽ trình đề xuất lên Đại hội FIFA để tất cả 211 hiệp hội thành viên của liên đoàn thực hiện các biện pháp phạt bắt buộc, bao gồm cả việc hủy trận đấu, đối với các hành vi kỳ thị và phân biệt chủng tộc.
0:00 / 0:00
0:00
FIFA đề xuất các biện pháp phạt bắt buộc đối với hành vi kỳ thị, phân biệt chủng tộc

Trong một thông điệp ngày 16/5, Tổng Thư ký FIFA Mattias Grafstrom cho biết ông đã gửi thư thông báo đến tất cả thành viên của liên đoàn, trong đó phác thảo đề xuất bao gồm các quy tắc và biện pháp trừng phạt, biện pháp xử lý trên sân cỏ và các cáo buộc hình sự tiềm ẩn. Đề xuất này sẽ được công bố tại Đại hội FIFA lần thứ 74, diễn ra từ ngày 13 - 17/5, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Tổng Thư ký Grafstrom nhấn mạnh, FIFA sẽ coi phân biệt chủng tộc là một hành vi phạm tội cụ thể và vấn đề này sẽ cần bắt buộc đưa vào Bộ luật kỷ luật cá nhân của tất cả 211 hiệp hội thành viên FIFA.

Ông Grafstrom nêu rõ, FIFA sẽ tạm dừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ các trận đấu trong trường hợp xảy ra hành vi phân biệt chủng tộc tùy theo mức độ; đặt ra quy định chung về cử chỉ mà cầu thủ có thể ra dấu để thông báo khi phát hiện hành vi phân biệt chủng tộc trong lúc thi đấu, và khi trọng tài xác định cần thực hiện quy trình 3 bước để xử lý vụ việc. Cụ thể, cầu thủ có thể giơ tay và bắt chéo cổ tay để trọng tài biết rằng đã xảy ra vụ việc phân biệt chủng tộc.

FIFA đang đẩy mạnh phòng chống hành vi lăng mạ, phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Ngày 12/4, nhân Ngày quốc tế Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc, trong khuôn khổ chiến dịch của FIFA về Chống phân biệt đối xử, FIFA đã gửi tới các liên đoàn thành viên công văn với mong muốn cập nhật về công tác bảo vệ các cầu thủ, đội bóng, huấn luyện viên và quan chức trận đấu khỏi hành vi lạm dụng trực tuyến. FIFA mong muốn các liên đoàn thành viên không để xuất hiện các hành vi phân biệt chủng tộc và các hình thức lạm dụng khác trên các trang mạng xã hội của mình.