F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhưng số ca nặng và tử vong có xu hướng giảm

NDO -

Theo hệ thống giám sát của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua số ca mắc mới của thành phố liên tục tăng cao so giai đoạn trước Tết; trong đó số học sinh mắc Covid-19 tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. 

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Chiều 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, theo hệ thống giám sát của ngành y tế, những ngày qua số ca mắc mới của thành phố liên tục tăng cao so giai đoạn trước Tết; trong đó số học sinh mắc Covid-19 tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Đây là điều nằm trong dự báo của thành phố.

“Sau kỳ nghỉ dài, học sinh đi học trở lại, mật độ giao lưu tăng, nên tăng khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, qua nghiên cứu khảo sát của ngành y tế, trong số ca dương thì số ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm ưu thế, chủng này lây lan nhanh. Những lý do này có thể lý giải vì sao thành phố có số ca tăng nhanh những ngày qua”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, người dân không quá hoang mang, mất cảnh giá vì qua theo dõi của ngành y tế tại các cơ sở điều trị trên địa bàn cho thấy số ca nhập viện, thở máy, ca nặng không tăng và có xu hướng giảm. Đặc biệt số ca nặng, thở máy tử vong giảm ở mức thấp nhất từ đợt dịch thứ 4, thậm chí ngày hôm nay không có ca tử vong. 

“Thành phố đã thực hiện tốt chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ trước, trong và  sau Tết, mở rộng các đối tượng từ trên 65 tuổi xuống trên 50 tuổi. Từng chùm ca bệnh đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết. Điều này giải thích số ca nặng, tử vong giảm”, bà Huỳnh Mai cho biết thêm.

Riêng về số ca F0 tăng trong trường học thời gian qua, đại diện Sở Y tế cho biết, Sở đã tham mưu, chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố cũng như tổ chức gặp gỡ với các chuyên gia nhằm xây dựng kế hoạch thu dung điều trị khi trẻ mắc Covid-19 tăng nhanh; đã xây dựng những kịch bản để thành phố không bị động khi số ca tăng. Đồng thời, Sở Y tế cũng có những kịch bản phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo để không bị động khi số ca bệnh ở học sinh tăng nhanh. 

Tuy nhiên, có đến 90% số ca đang được điều trị tại nhà, tức số ca nặng ít. Các bệnh viện cũng đã có kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng. Sở Y tế sẽ theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ em mắc, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình học sinh mắc Covid-19 tại các trường. 

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong tuần từ ngày 14-21/2,  số trẻ mắc đã cao gấp 3 lần tuần trước (từ ngày 7-13/2). Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, việc học tập của trẻ em, ảnh hưởng đến cuộc sống các gia đình có trẻ em bị nhiễm.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ em là trên hết, trước hết. Thành phố đã có kế hoạch thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ, trong đó có trẻ béo phì.  

Về việc đi học của trẻ em, ông Phạm Đức Hải cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành Công văn số 762/BYT-DP về việc cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần, ngày 22/2, UBND Thành phố đã có công văn hướng dẫn rất cụ thể công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy và học trực tiếp. 

“Chúng tôi đề nghị quý phụ huynh hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc tốt hơn cho trẻ em trong phòng, chống dịch. Phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với nhà trường để cùng nhau chăm sóc sức khỏe của trẻ em và quyết định hình thức học một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”, ông Phạm Đức Hải cho hay.