EVNHCMC: Không chủ quan với những nguy cơ tai nạn từ nguồn điện

Ngày 17/11, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện tư vấn được hơn 88.123 hộ gia đình (vượt 122.39% kế hoạch hằng năm đề ra là 72.000 hộ/năm); phát hơn 93.700 quyển “Cẩm nang sử dụng điện an toàn”, 80.760 quyển “Sổ tay phòng cháy, chữa cháy điện gia đình”, 32.049 quyển “Sổ tay phòng cháy, chữa cháy điện cơ sở, sản xuất kinh doanh và công sở” đến các gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân EVNHCMC kiểm tra công-tơ tại hộ gia đình.
Công nhân EVNHCMC kiểm tra công-tơ tại hộ gia đình.

Theo ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, khách hàng mua điện có trách nhiệm bảo đảm về an toàn điện sau công-tơ. Tuy nhiên, từ góc độ trách nhiệm xã hội của mình, ngành điện thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn điện trong nhân dân.

Thực tế kiểm tra, các đơn vị phát hiện nhiều lỗi như: hệ thống dây dẫn bị quá tải; các mối nối không đúng kỹ thuật; để thiết bị điện phát nhiệt gần vật dễ cháy nổ, thiết bị điện kém chất lượng,…

Khi phát hiện bất cập, các công ty điện lực phối hợp với địa phương, cơ quan chức năng tư vấn, tuyên truyền và xử lý ngay đối với các cơ sở, hộ dân.

Song song đó, ngành điện luôn chủ động kiểm tra hệ thống truyền tải, các thiết bị để chủ động ngăn ngừa các sự cố; tiếp tục thực hiện công tác hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện.

Từ thực tế này, ông Luân Quốc Hưng cho rằng, các cá nhân, cơ sở khi thi công, lắp đặt hệ thống điện phải được đơn vị chức năng tư vấn; sử dụng vật tư thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng công năng, có chất lượng tốt; các hộ dân, cơ sở cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ sự cố; phải thông báo với đơn vị quản lý lưới điện để được hướng dẫn an toàn trong quá trình thi công, lắp đặt.