EU đã đề xuất 1 lệnh cấm vận theo giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, mạng lưới phân phối phức tạp của châu Âu cùng nhiều thách thức khác có thể khiến lệnh cấm vận này khó có thể triển khai.
Nếu được nhất trí, lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và sau 8 tháng đối với dầu diesel cũng như các sản phẩm dầu mỏ khác.
Hiện các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng quan điểm về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất những điều chỉnh trong lệnh cấm vận dầu của Nga nhằm có được sự đồng tình của Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Phát biểu với báo giới bên lề 1 sự kiện ở thành phố Florence (Italia), ông Borrell khẳng định ông tin tưởng vào việc "đạt được 1 giải pháp chung, trong bối cảnh không phải tất cả các quốc gia đều ở chung 1 hoàn cảnh", đồng thời nhấn mạnh cần phải nhanh chóng tìm được 1 thỏa thuận.
Trong 1 tuyên bố trước đó cùng ngày, ông Borrell cũng cho rằng EU cần "thực tế" trong các kế hoạch của mình để thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng Nga, và khối này cần làm điều này "một cách trật tự và thận trọng".
Châu Âu, nơi hiện có khoảng 40% lượng khí đốt là nhập khẩu từ Nga, đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine leo thang. Ông Borrell cho biết có một số biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga và hành động này có thể không chỉ giới hạn trong 1 lệnh cấm giao dịch đơn thuần.
Tuy không cho biết chi tiết, nhưng ông tiết lộ rằng: "Nếu các công ty bảo hiểm không cung cấp bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu của Nga, đó sẽ là 1 vấn đề lớn đối với công tác xuất khẩu dầu của Nga - không chỉ sang các nước EU mà còn xét trên quy mô thế giới".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/5, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận quốc tế hoàn toàn đối với lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Phát biểu trong 1 cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Marchenko cho biết, Ukraine đang chật vật nhằm cân bằng ngân sách sau 10 tuần xung đột và tốc độ hỗ trợ tài chính từ nước ngoài cho Kiev hiện chưa phù hợp.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các đồng minh châu Âu đã gây khó khăn cho nền kinh tế có quy mô tới 1.800 tỷ USD của Nga.
Tuy nhiên, trong 1 tuyên bố cho thấy sự rạn nứt của các nước phương Tây, ngày 6/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, quốc gia của ông không thể ủng hộ gói trừng phạt mới do EU đề xuất.
Tương tự, các nước thành viên khác gồm Cyprus, Hy Lạp và Malta cũng bày tỏ hy vọng EU sẽ cân nhắc những quan ngại của họ về kế hoạch cấm vận chuyển dầu mỏ của Nga.
Đây là những nước có các hạm đội tàu vận chuyển dầu lớn nhất trong liên minh và họ muốn giới chức châu Âu quan tâm tới vấn đề này khi tính toán các lệnh trừng phạt Nga.