EU thảo luận đề xuất mới về giá trần khí đốt nhập khẩu từ Nga

Ngày 9/12, 26 quốc gia EU đã gửi một đề xuất thỏa hiệp về các thông số của trần giá đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga, được cho là sẽ đáp ứng yêu cầu của một số quốc gia vẫn đang lên tiếng phản đối.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh giếng khí đốt Bovanenkovo ở bán đảo Yamal, vùng Tây Bắc Siberia thuộc Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh giếng khí đốt Bovanenkovo ở bán đảo Yamal, vùng Tây Bắc Siberia thuộc Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/12, hãng CTK đưa tin Séc - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết EU sẽ thảo luận đề xuất mới về giá trần khí đốt trước khi tiến hành hội nghị bất thường của các bộ trưởng năng lượng khối ngày 13/12 tới.

Theo đề xuất mới nhất của Séc, mức giá trần khí đốt sẽ là 220 euro/MWh, thay vì 275 euro/MWh như dự kiến trước đây của Ủy ban châu Âu.

Tuy nhiên, theo CTK, đề xuất của Séc không nhận được sự ủng hộ đầy đủ của các nước thành viên EU và đã được sửa đổi.

Cùng ngày 9/12, 26 quốc gia EU khác đã gửi một đề xuất thỏa hiệp về các thông số của trần giá, được cho là sẽ đáp ứng yêu cầu của một số quốc gia vẫn đang lên tiếng phản đối.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, đề xuất chung này được đánh giá là dễ chấp nhận hơn nhưng chưa chắc đã nhận được sự chấp thuận của bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU.

Đại diện các nước sẽ tiến hành cuộc thảo luận đầu tiên về đề xuất mới đối với giá trần khí đốt trong ngày 10/12.

Trong nhiều tháng qua, 27 quốc gia EU đã cố gắng thống nhất kế hoạch hạn chế giá khí đốt, sau khi giá mặt hàng này tăng đã kéo theo giá điện tăng cao từ cuối mùa Hè.

Đã có thời điểm, giá khí đốt cho các hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch TTF - được lấy làm cơ sở tham chiếu cho thị trường khí đốt châu Âu - lên tới hơn 300 euro/MWh.

Hầu hết các quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Italia và Ba Lan, đang kêu gọi áp dụng một số hình thức giá trần. Tuy nhiên, một nhóm các quốc gia do Đức dẫn đầu lại từ chối, do lo ngại việc hạn chế giá có thể dẫn tới gia tăng tiêu dùng và đe dọa nguồn cung.

Nguồn tin ngoại giao cho biết thêm, Pháp hiện cũng đã tham gia nhóm các quốc gia không hài lòng với các điều kiện áp giá trần khí đốt nên khả năng các bộ trưởng năng lượng EU có thể đi tới thỏa thuận trong hội nghị bất thường ngày 13/12 tới vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong bối cảnh đó, cuộc đàm phán giữa đại sứ các nước thành viên EU trong ngày 10/12 có thể mang ý nghĩa quan trọng trước thềm hội nghị này.

Do những bất đồng về mức giá trần khí đốt, EU vẫn chưa chính thức thông qua các biện pháp khẩn cấp khác như mua chung khí đốt hoặc chia sẻ khí đốt cho các quốc gia thành viên trong trường hợp cần thiết.

Phía Séc cho biết, nếu EU không thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị ngày 13/12 thì nước này sẽ cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU vào cuối tháng 12 này.