Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Jozef Sikela cho biết, các bộ trưởng EU đã nỗ lực thông qua một số “biện pháp quan trọng khác”, trong đó có việc mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU dẫn đến tăng giá, đoàn kết trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số bộ trưởng tham dự cuộc họp ngày 24/11 phàn nàn về đề xuất giá trần khí đốt mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố 2 ngày trước đó, cho rằng đề xuất này rõ ràng không khả thi. Theo ông Sikela, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng.
Kế hoạch giới hạn giá đặt ra ngưỡng tối đa 275 euro/MWh. Tuy nhiên, mức giá này đi kèm theo rất nhiều điều kiện, đến nỗi mức giá này đã không được áp dụng vào tháng 8 vừa qua khi giá khí đốt tăng vọt lên mức 300 euro trong thời gian ngắn, qua đó cảnh báo châu Âu về những mức giá lịch sử chênh lệch khoảng 10% so với mức giá này.
Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.
Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông ở Bắc Bán cầu.