Cuối ngày 8/11, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU, đã đạt được thỏa thuận về luật mang tên Quy chế Chia sẻ nỗ lực (ESR).
Luật này đề ra các mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí trong các lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải đường biển nội địa, hệ thống sưởi ấm của các tòa nhà, nông nghiệp, lắp đặt hệ thống điện công nghiệp quy mô nhỏ và quản lý chất thải.
Những lĩnh vực này tạo ra khoảng 60% trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU. ESR đề xuất giảm 40% lượng khí thải trong các lĩnh vực này so với năm 2005.
Cũng theo ESR, các quốc gia có thể trao đổi hạn ngạch giới hạn với các nước khác hoặc "cộng dồn" hạn ngạch nếu lượng khí thải trong một năm thấp hoặc "tạm ứng" của những năm sau nếu lượng khí thải quá cao.
Theo quy định, văn kiện này vẫn cần được EP và Hội đồng châu Âu phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.
ESR nằm trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể của EU nhằm giảm 55% lượng khí thải ròng vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Quy chế này được thiết kế nhằm bảo đảm tất cả các nước thành viên EU đều đóng góp một cách công bằng để đạt được mục tiêu nói trên.
Do đó, các quốc gia giàu hơn như Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Luxembourg và Thụy Điển cần cắt giảm 50% khí thải carbon, trong khi đối với Bulgaria, mục tiêu đặt ra là 10%.
Thỏa thuận mới nhất ngày 8/11 là một trong 3 thỏa thuận mà EU hy vọng sớm đạt được trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Tháng trước, khối này đã đạt được thỏa thuận về luật cấm bán ô tô chạy xăng và dầu diesel từ năm 2035 nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng xe điện.
Dự kiến, trong ngày 10/11, EU sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về một đạo luật nhằm mở rộng các khu vực hấp thụ khí CO2 của châu Âu, như các khu rừng.