Chuyến thăm Canada sắp tới của Thủ tướng Ðức được thông báo là nhằm thúc đẩy các dự án xây dựng hệ thống kho cảng ở Bờ Ðông của Canada để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Tuy nhiên, một vấn đề ưu tiên của chuyến đi được cho là tìm hướng xử lý vụ tua-bin khí thuộc sở hữu của Nga bị "mắc kẹt" ở Canada vì lệnh trừng phạt của Ottawa đối với Moskva. Viện dẫn lý do này, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cắt giảm tới 60% công suất của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dưới biển Baltic tới Ðức. Dòng khí đốt bị cắt giảm đúng vào thời điểm nhạy cảm, khi châu Âu đang cố gắng bổ sung nguồn dự trữ cho những tháng mùa đông lạnh giá sắp tới.
Trước khó khăn về nguồn cung năng lượng, Thủ tướng Scholz nêu rõ, công tác chuẩn bị cần thiết đang được thực hiện để bảo đảm nhu cầu năng lượng mà không cần nguồn cung từ Nga. Theo nhà lãnh đạo Ðức, Luật An ninh năng lượng của Ðức sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, hệ thống bồn chứa khí đốt dự trữ sẽ được lấp đầy, các nhà máy điện than duy trì vận hành và Chính phủ Ðức tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Ở cấp độ khu vực, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 6/7 nêu rõ: EU cần lên kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống nguồn cung khí đốt tiếp tục gián đoạn, thậm chí nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn. Chủ tịch EC cho biết, cơ quan này đang thảo luận kế hoạch khẩn cấp của châu Âu, bảo đảm khí đốt được cấp tới những nơi có nhu cầu cấp thiết nhất.
Trong một bước đi quan trọng nhằm tăng cường an ninh năng lượng, các nước thành viên EU đã thông qua quy định nhằm bảo đảm công suất dự trữ khí đốt. Cụ thể, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên phải đạt ít nhất 80% công suất trước mùa đông tới và dần tăng lên mức 90%. Ở cấp độ khu vực, trong năm 2022, EU sẽ nỗ lực đạt 85% tổng công suất các kho chứa khí đốt dưới lòng đất.
Trong 5 mục tiêu của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU được Chính phủ Séc công bố, vấn đề an ninh năng lượng của khối được ưu tiên đặc biệt. Séc tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò điều phối nguồn cung cấp khí đốt của EU trước khi mùa đông tới. Praha tái khẳng định quan điểm ủng hộ cơ chế mua chung tự nguyện nhằm nâng cao vị thế đàm phán của EU.
Tuy nhiên, các nước châu Âu có mức độ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga khác nhau, do đó việc đạt được lập trường chung trong vấn đề này rất khó với EU. Bộ trưởng Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại Hungary Peter Szijjarto mới đây khẳng định, Hungary trên thực tế không thể thay thế việc sử dụng năng lượng của Nga. Ông Szijjarto nhấn mạnh, nếu nguồn cung năng lượng từ Nga ngừng hoàn toàn, Hungary chưa kịp có nguồn năng lượng thay thế. Tiến trình thay đổi chuỗi cung ứng sẽ phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém.
Trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine, quan hệ giữa Nga và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng được đánh giá là "cùng có lợi". Giá trị dầu mỏ, khí đốt và than đá xuất khẩu sang châu Âu chiếm 60% doanh thu, 45% ngân sách và 14% GDP của Nga. Châu Âu cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga, với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% sản lượng dầu và 45% sản lượng than đá.
Theo giới phân tích, Nga không thể sớm tìm được một thị trường năng lượng rộng lớn như châu Âu, EU cũng không dễ tìm nguồn cung thay thế. Việc phá bỏ những liên kết chặt chẽ vốn được hình thành từ lâu sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
ÐINH TRƯỜNG