EBRD dự báo phục hồi kinh tế "ngoài mong đợi"

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vừa nhận định rằng, kinh tế tại các quốc gia mà ngân hàng này đầu tư đang phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù vậy, “mây đen u ám” sẽ vẫn che mờ triển vọng kinh tế tại nhiều nước trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ đang tiếp tục lây lan nhanh.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).

EBRD dự báo phục hồi kinh tế "ngoài mong đợi" sẽ diễn ra tại tất cả các khu vực địa lý mà ngân hàng này đầu tư trong năm nay. Theo đó, 38 nền kinh tế mới nổi có vốn đầu tư của EBRD sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 4,2% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là 3,6%. Cũng theo ngân hàng này, sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 của các nền kinh tế mới nổi ở Ðông Âu, Trung Á và Bắc Phi đang diễn ra khá nhanh.

Sự thay đổi tích cực đó là nhờ thời gian qua, nhiều nước đã đẩy nhanh chiến dịch phủ sóng vaccine ngừa Covid-19, đồng thời dần gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, các "nút thắt của nền kinh tế" đã được cởi bỏ, tạo động lực tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Nhu cầu hàng hóa và giá nhiều loại hàng hóa tăng cao gần đây đã tiếp sức đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu của nhiều nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia của EBRD khẳng định rằng, nếu so sánh với năm 2020, bức tranh kinh tế của các quốc gia hiện đã sáng sủa hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, bất chấp các dự báo lạc quan nêu trên, các thách thức với kinh tế toàn cầu nói chung, các nền kinh tế mà EBRD đầu tư nói riêng, vẫn nghiêm trọng trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh. Bộ Thống kê Ấn Ðộ mới đây dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 7,3% trong năm tài chính 2020-2021. Tại một số quốc gia Ðông - Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Philippines, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng đang làm chệch hướng các mục tiêu kinh tế. Riêng Philippines, GDP đã giảm tới 4,2% trong quý I/2021, cao hơn mức ước tính của giới chuyên gia và đánh dấu quý giảm thứ năm liên tiếp.

Thực tế chống dịch và phục hồi kinh tế thời gian qua trên thế giới cho thấy, tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Ước tính việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó mang lại cho nền kinh tế thế giới số tiền 9.000 tỷ USD vào năm 2025. Bởi vậy, vaccine ngừa Covid-19 chính là "chìa khóa" giúp các quốc gia đối phó thách thức kinh tế nêu trên. Theo đó, "việc cần làm ngay" của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hiện nay là nhanh chóng gỡ bỏ những điểm nghẽn chính trong sản xuất và cung ứng vaccine toàn cầu, không bỏ quốc gia, khu vực nào lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19.