Duy trì tăng trưởng xăng dầu

Trước diễn biến khó lường của thị trường dầu mỏ thế giới, nhất là khi thế giới đang phải đối mặt sự suy thoái kinh tế toàn cầu; xung đột địa chính trị tại một số quốc gia đã làm đứt gãy nguồn cung, đẩy chi phí tăng cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Với sự linh hoạt ứng phó, doanh nghiệp xăng dầu đã từng bước vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiếp bước thành công của năm 2022, năm nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 42% so với mức thực hiện năm 2022. Trong đó, tập trung phát triển các cửa hàng xăng dầu theo tiêu chuẩn mới, hiện đại, phát triển trạm sạc pin xe điện và triển khai thí điểm mô hình trạm dịch vụ xe tải,...

Gia tăng hiệu quả

Theo Tổng Giám đốc Petrolimex, Đào Nam Hải, năm 2022 cực kỳ khó khăn đối với Tập đoàn và các đơn vị thành viên khi chịu tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố khách quan, bất khả kháng, nhưng với sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, người lao động toàn hệ thống trong việc linh hoạt triển khai các giải pháp đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, sản lượng xuất bán xăng dầu toàn Tập đoàn hơn 13,8 triệu tấn, đạt 114% kế hoạch; tổng doanh thu hơn 304 nghìn tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.270 tỷ đồng. Đơn vị cũng tập trung nâng cao công tác quản lý, quản trị nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai công tác chuyển đổi số; triển khai dự án thanh toán không dùng tiền mặt; nhận diện thương hiệu mới tại hệ thống cửa hàng xăng dầu,...

GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng dao động ở mức 6,5% kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước có thể sẽ tăng tương ứng, tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Qua đó giúp đơn vị thực hiện tốt vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là những thời điểm khó khăn về nguồn cung.

Ông Đào Nam Hải khẳng định, năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế; tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán ở mức 2%, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều với mức bình quân của mười năm trước đại dịch Covid-19. GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng dao động ở mức 6,5% kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước có thể sẽ tăng tương ứng, tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đơn vị vẫn kiên định với định hướng nâng cao chất lượng quản trị để đạt hiệu quả kinh doanh cao, duy trì ổn định và phát triển bền vững. Theo đó, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 190 nghìn tỷ đồng, giảm 38%, nhưng lợi nhuận dự kiến đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 42% so với mức thực hiện năm 2022. Tín hiệu đáng mừng khi kết thúc quý I/2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 67.432 tỷ đồng, tăng 0,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng, tăng 51% so cùng kỳ.

Các đơn vị trong Petrolimex cũng mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu tích cực. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) Đỗ Hữu Tạo cho biết, đơn vị phấn đấu tổng sản lượng năm 2023 đạt 447.900 tấn, bằng 105,3%; doanh thu đạt 8.903 tỷ đồng, bằng 103,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, bằng 108,5% so với thực hiện năm 2022.

Để đạt được mục tiêu, đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện môi trường làm việc, đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP; hệ thống tự động hóa sản xuất,... nhằm nâng cao năng lực quản trị và sản xuất.

Đa dạng chủng loại, nguồn hàng

Tình hình kinh tế thế giới trong những tháng tới được dự báo tiếp tục biến động phức tạp do căng thẳng chính trị Nga-Ukraine. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn chưa ổn định, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, lạm phát và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đề cập tới hoạt động kinh doanh tại đơn vị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco Nguyễn Quang Cương cho biết, năm nay được đánh giá có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó, cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, do đó, công ty chỉ đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hơn 1.172 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 90,2 tỷ đồng.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex để bảo đảm công tác vận hành an toàn, điều độ khai thác tàu hợp lý, duy trì ngày chạy tàu tốt tối đa để đem lại hiệu quả chung trong toàn ngành.

Đối với tàu chuyển tuyến, tập trung bám sát kế hoạch của Tập đoàn để tổ chức khai thác tàu phù hợp, bảo đảm vận chuyển an toàn, kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lịch sửa chữa, bảo dưỡng tàu nhằm bảo đảm nâng cao hệ số vận doanh tàu, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng, người môi giới, chào tàu để tìm kiếm và mở rộng nguồn hàng mới ngoài hệ thống Petrolimex,...

Các cửa hàng xăng dầu sẽ được phát triển theo tiêu chuẩn mới, hiện đại, đáp ứng tính tiện ích, tính phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng

Đánh giá của lãnh đạo Petrolimex cũng cho thấy, muốn đạt được mục tiêu đề ra, Tập đoàn cần tập trung triển khai các hợp đồng kỳ hạn đã ký kết với hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước nhằm bảo đảm đúng, đủ theo các điều khoản đã cam kết. Chủ động tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh về giá thuế, cũng như xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp các nhà máy lọc hóa dầu trong nước gặp sự cố.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống thương nhân nhượng quyền có chọn lọc; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ, chính sách kinh doanh, nhận diện thương hiệu, công nghệ thông tin,... theo hướng chuẩn hóa, đóng gói để làm công cụ hỗ trợ các công ty xăng dầu thành viên tìm kiếm, đàm phán với các thương nhân nhượng quyền. Đồng thời, tập trung gia tăng phương thức bán lẻ, mở rộng mạng lưới cửa hàng xăng dầu, nhất là trên các tuyến cao tốc, trục lộ, tỉnh lộ và thành phố lớn.

Các cửa hàng xăng dầu sẽ được phát triển theo tiêu chuẩn mới, hiện đại, đáp ứng tính tiện ích, tính phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, phát triển trạm sạc pin xe điện và triển khai thí điểm mô hình trạm dịch vụ xe tải,... nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.