Đường vành đai 4 “mở cửa” kết nối giao thương vùng Đông Nam Bộ

Được xem là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Dự án vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được xem là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay.
Dự án vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được xem là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay.

Với vai trò kết nối quan trọng này, Thành phố Hồ Chí Minh và bốn tỉnh có tuyến đường đi qua quyết tâm hoàn chỉnh hồ sơ dự án trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2024.

Dự án quan trọng của quốc gia

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 483/QĐ-TTg bổ sung dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo đó quy mô đầu tư đề xuất (giai đoạn 1) với tổng chiều dài tuyến vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 207 km.

Cụ thể: Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23 km; Đồng Nai 45,54 km; Bình Dương 47,45 km; Thành phố Hồ Chí Minh 17,3 km; Long An 78,3 km. Tổng mức đầu tư dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 128.063 tỷ đồng, dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 39.827 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 30.882 tỷ đồng...

Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe cao tốc hoàn chỉnh, 23 nút giao thông liên thông. Theo thiết kế, dự án sẽ được đầu tư xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tổ chức lập và cơ bản hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án xây dựng đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó Dự án đường vành đai 4 đoạn do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền có quy mô đầu tư lớn, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Mới đây Bộ Giao thông vận tải có ý kiến cần đẩy nhanh tiến độ Dự án với mục tiêu trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cần tập trung tối đa nguồn lực triển khai để đáp ứng tiến độ.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời có trách nhiệm điều phối triển khai các dự án trên toàn tuyến.

Ghép năm dự án thành phần thành một dự án

Về phương án triển khai và tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ thực hiện phương án đề xuất là ghép năm dự án thành phần qua năm địa phương thành một dự án tổng thể để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với phương án triển khai ghép chung thành một dự án tổng thể thì giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Với đặc thù là dự án đường vành đai đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ đến thời điểm hiện nay, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Trên thực tế các địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn vốn.

Chẳng hạn như chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương) hay cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ngoài ra, nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án.

Từ những khó khăn, vướng mắc này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thống nhất cần nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Theo đó, các địa phương đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương.

Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị áp dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án; riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Đồng thời, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.

Ủy ban nhân dân các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng kiến nghị Chính phủ cho các địa phương này phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, trong vòng hai năm kể từ khi nghị quyết về đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Hiện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải các địa phương liên quan, đơn vị tư vấn tổng thể đã cơ bản hoàn tất công tác rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.