"Ðường Kách mệnh", tác phẩm mở đầu nền xuất bản  cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc bằng việc tuyên truyền cách mạng, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế  thông qua sách, báo.

Sau khi rời bến cảng Nhà Rồng  ngày 5-6-1911, Người đã đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi và châu Mỹ để học hỏi, "xem cho rõ" để "trở về giúp đồng bào tôi". Khác với những người Việt Nam yêu nước cùng thời, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc coi trọng việc vận động làm chuyển biến nhận thức, xây dựng đường lối cách mạng hơn là bắt tay ngay vào phát động những cuộc khởi nghĩa, những cuộc nổi dậy chống chính quyền  thực dân cướp nước khi chưa chín muồi.

Sau khi tham gia Ðảng Xã hội Pháp, đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" tới Hội nghị Versaille họp tại Paris (Pháp) sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc; đòi quyền tự quyết cho dân tộc ta.

Tiếp đó, Người viết nhiều sách, báo bằng tiếng Pháp, tố cáo với nhân dân Pháp và thế giới  về những tội ác của chế độ thực dân đối với các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã sung sướng đến rơi nước mắt khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin. Ðây là sự  kiện quan trọng, là bước ngoặt trong quá trình nhận thức để tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.

Và con đường cứu nước ấy lần đầu tiên được trình bày  dưới quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lenin và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong tác phẩm Ðường Kách mệnh. Ðây là xuất bản phẩm cách mạng đầu tiên do chính những người thợ in Việt Nam làm ra bằng phương pháp rất thô sơ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn của thời đại mà ngày nay, sau 80 năm vẫn mang tính thời sự cho chúng ta học tập và làm theo.

Trong không khí toàn Ðảng, toàn dân thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; ngành xuất bản, in, phát hành chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của ngành, chúng ta cùng ôn lại quá trình ra đời của cuốn sách dưới góc nhìn nghề nghiệp của những người làm xuất bản.

Trước hết, cần tìm hiểu vì sao Nguyễn Ái Quốc viết cuốn sách này, nói cách khác, như Người đã phân tích trong tác phẩm nổi tiếng Cách viết là "Viết để làm gì ?".

Như chúng ta đã biết, đây là tập đề cương  các bài giảng Nguyễn Ái Quốc đã giảng cho các lớp huấn luyện chính trị được tổ chức bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc từ đầu năm 1925 đến đầu năm  1927. Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Ðông tập hợp  các đề cương này xuất bản thành sách để làm tài liệu học tập trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Tập sách nhỏ được mang tên Ðường Kách mệnh là rất nhất quán với mục đích  khi viết sách của tác giả, đồng thời cũng nhất quán với hai câu mở đầu cuốn sách về lý luận cách mạng được trích trong tác phẩm Làm gì  của Lenin.

Trở lại bối cảnh lịch sử những năm đầu thế kỷ 20, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Biết bao cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, nhiều phong trào yêu nước được dấy lên nhưng  đã bị thực dân Pháp nhấn chìm trong biển máu và thất bại. Sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước lúc bấy giờ  như tảng đá lớn chặn vào mạch  nguồn của truyền thống yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc, làm cho truyền thống ấy, ý chí ấy không thể hợp lưu để tạo nên dòng thác cách mạng, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho mỗi con người Việt Nam. Song, "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta".

Nguyễn Ái Quốc đã vượt lên bắt kịp những tư tưởng lớn của thời đại, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin và trình bày, lý giải những tư tưởng ấy một cách thật giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn trong một cuốn sách nhỏ. Mục đích của việc xuất bản sách rõ ràng và sự lựa chọn tên sách  thật sự là một điểm nhấn rất quan trọng làm cho tư tưởng chủ đề của tác phẩm bật lên như một ngọn đuốc trong đêm đen, soi sáng đường cho dân tộc ta đứng lên "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Ðường Kách mệnh ấy là do đông đảo quần chúng nhân dân chung sức, chung lòng xây đắp nên dưới ánh sáng của ngọn đuốc soi đường.

Câu hỏi tiếp theo: Viết cho ai? được Nguyễn Ái Quốc trả lời rất rõ: "Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh". Vậy là cuốn sách không chỉ dành làm tài liệu học tập, nghiên cứu cho học viên các lớp huấn luyện về lý luận cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc, mà rộng hơn Nguyễn Ái Quốc đã viết để "đồng bào xem".

Nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay thì cuốn sách không phải chỉ "lưu hành nội bộ" mà thật sự đã được xác định để phát hành rộng rãi đến quần chúng nhân dân, mặc dù cách thức phát hành lúc bấy giờ phải làm rất bí mật, thậm chí có đồng chí phải đổi cả sinh mệnh của mình.

Theo Tiến sĩ Chu Ðức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì tổng số học viên dự các lớp huấn luyện lúc bấy giờ khoảng 75 đồng chí. Ðó là những hạt giống cách mạng quý báu, những người đọc đầu tiên của xuất bản phẩm lịch sử Ðường Kách mệnh. Bằng nhiều cách khác nhau như in sao hoặc tuyên truyền miệng, những tư tưởng của tác phẩm đã được các học viên nói trên phổ biến rộng rãi đến quần chúng cách mạng, góp phần đắc lực vào cuộc vận động thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh ngay sau đó. Tác phẩm được lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay thật sự là một di sản quý báu của lịch sử cách mạng hiện đại. Ðiều đó cũng chứng tỏ những giá trị tư tưởng của tác phẩm đã vượt qua thách thức của thời gian, những thăng trầm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế để khẳng định tầm vóc và sự đúng đắn của Ðường Kách mệnh mà dân tộc ta đã lựa chọn.

Sau khi đã xác định "viết để làm gì, viết cho ai" thì cách "viết như thế nào" cũng được Nguyễn Ái Quốc đề cập thật rõ ràng. Người viết: "sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ,... nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả... hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau truốt!". Thật không có gì khẩn thiết hơn việc phải "cứu lấy giống nòi"!

Trước Nguyễn Ái Quốc đã có biết bao người Việt Nam yêu nước từ bậc đế vương như vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, những bậc chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến những lãnh tụ nông dân như Hoàng Hoa Thám,... mỗi người mỗi cách làm riêng nhưng đều muốn "cứu lấy giống nòi". Từ bài học thất bại của những người đi trước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường đúng đắn: "... cách mệnh là việc chung  cả dân chúng chứ không phải việc một hai người". Muốn tập hợp được quần chúng để làm cách mạng thì phải làm quần chúng hiểu "vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh" và "cách mệnh thì phải làm thế nào". Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, có tới 95% số dân Việt Nam mù chữ. Vì vậy, cuốn sách Ðường Kách mệnh viết trước đó 18 năm phải thật dễ hiểu, ngắn gọn, bằng lời ăn tiếng nói thông thường, thì mới đến được trái tim và khối óc quần chúng nhân dân, mới tập hợp được lực lượng cách mạng.

Sau 80 năm, lật từng trang sách Ðường Kách mệnh , chúng ta không chỉ khâm phục những giá trị tư tưởng của tác phẩm mà còn là một viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho hoạt động xuất bản cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành vô cùng tự hào đã góp phần nhỏ bé vào việc ấn hành tác phẩm có ý nghĩa lịch sử này. Mặc dù nghề in ty-pô bằng chữ chì đã du nhập vào nước ta theo chân quân đội viễn chinh Pháp từ năm 1861, nhưng trong điều kiện hoạt động bí mật lúc bấy giờ, các tổ chức cách mạng chưa có nhà in nên phải in bằng phương pháp hết sức thô sơ.

Tuy chưa có điều kiện nghiên cứu đầy đủ để khẳng định về phương pháp in cuốn Ðường Kách mệnh nhưng căn cứ vào những cuốn sách còn lưu lại đến ngày nay thì có thể đưa ra hai giả thiết sau đây: Một là, cuốn Ðường Kách mệnh được in bằng công nghệ  li-tô trên đá; hai là được in bằng công nghệ li-tô trên kẽm.

Ông Vũ Khắc Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, một chuyên gia hàng đầu của ngành in nước ta, người đã từng tham gia phục chế theo nguyên bản Ðường Kách mệnh để đem đi triển lãm sách quốc tế ở Leipzig (Cộng hòa dân chủ Ðức trước đây) vào những năm 60 của thế kỷ 20 cũng nhất trí với hai giả thiết nêu trên.

Ông Liên còn cho biết nếu in ở Quảng Châu, Trung Quốc thì có khả năng cuốn sách được in bằng công nghệ li-tô trên kẽm. Ðể in được cuốn sách phải chọn người viết chữ đẹp nhưng phải biết viết ngược từng chữ trên đá (nếu là in li-tô đá) hoặc trên kẽm (nếu là in li-tô kẽm) bằng một loại mực đặc biệt có thể bám chắc trên đá hoặc trên kẽm, tạo nên khuôn in và mỗi khuôn in như vậy chỉ in được khoảng 100 tờ in. Nhưng những người thợ in Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nguy hiểm lúc bấy giờ để làm ra cuốn sách cho lớp huấn luyện cán bộ và sau này phục vụ cho việc tuyên truyền, vận động nhân dân.

Ðường Kách mệnh khẳng định con đường giải phóng dân tộc là tiến hành cách mạng vô sản. Sự ra đời của Ðường Kách mệnh cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử xuất bản Việt Nam. Ðó là tín hiệu đầu tiên báo hiệu sự ra đời một nền xuất bản mới, nền xuất bản cách mạng mà đối tượng phục vụ của nó là đông đảo nhân dân lao động.

Ngày nay, đọc lại Ðường Kách mệnh, những người làm xuất bản càng tự hào về lịch sử vẻ vang của ngành xuất bản, in và phát hành. Trong sự nghiệp đổi mới, toàn ngành phát huy truyền thống vẻ vang đó, tiếp tục đem đến cho xã hội những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc và truyền thống của dân tộc Việt Nam.