Cây mía đã ngọt trở lại
Chỉ còn ít ngày nữa là vụ thu hoạch mía chính thức bắt đầu. Với mong muốn chia sẻ lợi nhuận, đồng thời khuyến khích nông dân tỉnh Tây Ninh mở rộng diện tích trồng mía, SBT đã chính thức công bố bảng giá thu mua mía vụ 2021-2022.
Tùy vào thời gian trồng của mía là đông xuân hay hè thu, quy mô diện tích mía, khu vực trồng mía, cự ly vận chuyển và thời gian giao mía của từng khách hàng, mà người trồng mía sẽ được hưởng thêm các khoản hỗ trợ hấp dẫn, giúp tổng thu nhập trong vụ thu hoạch này tăng thêm đáng kể.
Theo đó, khi tính đủ các khoản trợ giá và chi phí vận chuyển, mía đông xuân tại khu vực gần nhà máy (cự ly vận chuyển không quá 30 km), đối với nông dân có diện tích từ 100ha trở lên, công ty sẽ thu mua với giá trên xe tại bàn cân nhà máy lên đến 1.240.000 đồng/tấn trong thời gian đầu hoặc cuối vụ, 1.190.000 đồng/tấn nếu thu hoạch vào giữa vụ. Nếu tính giá mua trên xe tại ruộng, người nông dân sẽ thu về từ 1.070.000 đến 1.120.000 đồng/tấn tùy thời điểm giao mía.
Đối với mía trồng vụ hè thu có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, để khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân, SBT đã đưa ra khung giá ưu đãi với giá mua tại nhà máy cao nhất đạt 1.340.000 đồng/ha (áp dụng cho nông dân có diện tích trên 100ha, ruộng mía gần nhà máy, giao mía vào đầu hoặc cuối vụ), và thấp nhất cũng lên đến 1.240.000 đồng/tấn (áp dụng cho nông dân có diện tích dưới 30 ha tại Tây Ninh hoặc dưới 100ha tại Campuchia, ruộng mía xa nhà máy, giao mía vào giữa vụ). Trừ đi chi phí vận chuyển, khung giá này sẽ tương ứng với 1.220.000 đồng/tấn và 1.120.000 đồng/tấn mía trên xe tại ruộng.
Các mức giá trên được tính cho mía 10 CCS sạch tươi trên xe, tạp chất dưới 2%. Về vấn đề vận chuyển, hiện nhà máy TTCS cũng đã huy động, sắp xếp đủ số lượng xe cần thiết để bảo đảm chuyển mía từ ruộng của bà con nông dân về nhà máy đúng tiến độ. Cước vận chuyển sẽ được thông báo cụ thể vào thời điểm đầu vụ ép theo từng cự ly vận chuyển để bà con nông dân tham khảo. Đối với mía cháy, công ty sẽ áp dụng chính sách riêng với định hướng hỗ trợ nông dân thu hồi vốn, tái đầu tư cho vụ mới.
Vụ mùa thắng lợi kép
Sau 3 năm gặp khó, đến vụ 2021/2022, ngành mía đường thế giới đã chính thức bước sang giai đoạn hồi phục, thể hiện bằng việc giá đường đã tăng mạnh trên cả thị trường thế giới lẫn nội địa. Nếu so năm trước, khi ngành đường xuống chạm đáy, vụ 2021/2022 năm nay, khung giá thu mua mía của SBT đã tăng lên đáng kể, với mức tăng trung bình khoảng 120.000 đồng/tấn, tương đương 20% so với vụ thu hoạch 2020/2021. Giá mua cao không chỉ bù đắp cho phần chi phí, công sức mà người nông dân bỏ ra trong suốt một năm với nhiều biến động, khó khăn, mà còn là sự khuyến khích người nông dân Tây Ninh quay lại với cây mía, lựa chọn cây mía để đón đầu xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm tới.
Năm 2021 vừa qua, trong khi bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sức mua của thị trường giảm sút khiến các cây trồng khác không có đầu ra khiến cho nhiều hộ nông dân thiệt hại nặng nề thì cây mía vẫn đang thể hiện sự ổn định, bền vững. Nhờ chính sách bao tiêu sản lượng và đặc thù nhu cầu của sản phẩm đường, người trồng mía hoàn toàn không phải lo về vấn đề đầu ra. Ngoài ra, khả năng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trồng, chăm sóc của cây mía cũng giúp ích rất lớn cho nông dân trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp, thiếu hụt nhân công lao động.
Với mức giá thu mua tốt như trên, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi giúp năng suất mía ước đạt mức cao, người trồng mía dự kiến sẽ có một vụ mùa “thắng lợi kép” khi vừa được mùa, vừa được giá.
Và sau vụ thu hoạch này, bằng chính sách đầu tư mạnh mẽ, nhiều ưu đãi về vốn, vật tư và kỹ thuật canh tác từ nhà máy, người nông dân Tây Ninh lại được tiếp thêm nguồn lực để mở rộng diện tích, thâm canh tăng năng suất.
Đặc biệt, chính sách bảo hiểm giá 3 vụ liên tiếp sẽ giúp người trồng mía càng thêm vững tâm, tận dụng thời kỳ thị trường đi lên để làm giàu cùng cây mía.