Dung Thị Minh Tuyết với dân ca Chăm

Dung Thị Minh Tuyết với dân ca Chăm

Là cô giáo, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh 1, Minh Tuyết còn là thành viên nòng cốt của Ðoàn ca múa nhạc dân gian Chăm huyện Bắc Bình, nơi quy tụ nhiều tài năng trẻ yêu thích và gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Ngoài chức năng lưu giữ, phát huy những giá trị đích thực của bài bản gốc, nâng cao tính hiện thực, đủ sức phục vụ nhiệm vụ chính trị, đời sống tinh thần của người dân, giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt lễ hội trên địa bàn huyện.

Ðoàn ca múa nhạc dân gian Chăm Bắc Bình còn là một đơn vị nghệ thuật từng được nhiều lần đại diện cho Bình Thuận tham gia các kỳ hội diễn, các liên hoan văn nghệ quần chúng khu vực và toàn quốc!

Những tiết mục đơn ca của Minh Tuyết đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của toàn đoàn và bản thân người con gái Chăm có giọng ca trời phú này cũng đã đạt được những phần thưởng xứng đáng với ba Huy chương vàng, bảy Huy chương bạc tại các kỳ hội diễn.

Với chất giọng mượt mà, giàu khả năng biểu cảm, da diết đến nao lòng, sôi nổi đã giúp cho Minh Tuyết thể hiện thành công nhiều ca khúc mới mang đậm chất liệu dân ca và cũng nhờ thế mà tên cô gắn liền với hàng loạt bài hát đã đi vào lòng người. Ðó là bài Tình làng gốm nơi có những tấm lòng chân thành, những bàn tay vất vả đêm ngày để hoa đời rộ nở. Ðó là Thương thầm, là Anito, là Ai kia có nỗi nhớ mong có niềm hy vọng, có mưa nguồn chớp bể, có hoàng hôn và có rạng đông, có nhịp trống ghi năng rộn rã đưa em đến bên anh, đưa người người vào hội...

Trong những dịp cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, công trường, xí nghiệp, bộ đội biên phòng, những ca khúc nêu trên luôn được người nghe yêu cầu Minh Tuyết hát lại nhiều lần và cô luôn đáp ứng tất cả thịnh tình, khả năng mà mình có được. Từ các hoạt động không hề mệt mỏi này, cô giáo - giọng dân ca Dung Thị Minh Tuyết đã được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa.

Trước câu hỏi: "Là cô giáo lại là Phó hiệu trưởng, làm sao để có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ ở trường lớp, vừa tham gia hoạt động nghệ thuật ở đoàn ca múa nhạc dân gian Chăm?". Câu trả lời cũng chính là tâm sự của Minh Tuyết: Em sống với mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ luôn ủng hộ và giúp em trong mọi công việc. Thời gian trong ngày được em sắp xếp hợp lý. Sáng dạy học. Chiều soạn bài. Tối có mặt để tập với anh chị em trong đoàn. Em luôn luôn ý thức được vai trò cô giáo, Phó hiệu trưởng trong việc truyền đạt kiến thức, trong quản lý, giáo dục học sinh. Em tự hào về những gì mình đã làm được trong quá trình mang ánh sáng của Ðảng, ánh sáng văn hóa đến với các em học sinh của dân tộc mình. Chính các em là tương lai của dân tộc, của Tổ quốc Việt Nam. Với hoạt động nghệ thuật, đó cũng là niềm say mê từ tuổi ấu thơ, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, từ buổi Minh Tuyết chính thức là một nhà sư phạm. Ðược cống hiến, em càng thấy yêu đời, yêu làng Chăm, yêu quê hương đất nước.

Những ngày này, ngoài thời gian làm việc ở trường tiểu học Phan Thanh 1, cô giáo - giọng ca dân gian Dung Thị Minh Tuyết đang cùng anh chị em Ðoàn nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình tích cực dàn dựng chương trình mới mừng Xuân đón Tết. Tiếng hát của người con gái Chăm xinh đẹp này đã và sẽ còn bay xa, còn ngân nga khắp nẻo đường Xuân.