Bởi dù là đối tượng nào trả tiền âm phủ cho du khách thì cũng là minh chứng cho thấy kiểu làm ăn chộp giật, lừa đảo vẫn tồn tại trong môi trường du lịch. Và dù lái xe xích-lô có được minh oan không trả khách tiền âm phủ thì mức giá “cắt cổ” mà anh ta đã lấy của khách cũng thể hiện thói làm du lịch “chặt chém”, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín cũng như việc hành nghề của những lái xe xích-lô chân chính.
Cuối tháng sáu vừa qua, một tài khoản trên mạng xã hội cũng từng phản ánh thông tin hai vị khách nước ngoài đi từ Quảng Bình ra Hà Nội bị lái xe trả lại hai tờ tiền vàng mã. Hơn một tháng trước, các cơ quan chức năng tại Huế đã phải vào cuộc để xử lý vụ việc hai Việt kiều Mỹ phải chi 1,5 triệu đồng cho một chuyến xích-lô trong gần một giờ đồng hồ. Trước đó, đôi vợ chồng người Hà Lan đi ta-xi tại Hà Nội bị “chém đẹp” 870 nghìn đồng cho quãng đường 7 km; một nữ du khách người Nga phải trả 700 nghìn đồng cho một túi bánh rán nhỏ ở khu vực phố cổ, Hà Nội; một du khách đi ta-xi ở Đà Nẵng bị đòi 700 nghìn đồng cho quãng đường khoảng 5 km… Thậm chí mới đây, Tổng Cục trưởng Du lịch phải gửi thư xin lỗi du khách người Ô-xtrây-li-a khi họ bỏ tiền mua tua tham quan Vịnh Hạ Long nhưng lại phải trải qua hành trình chẳng khác gì ác mộng trên chiếc tàu tồi tàn, kém chất lượng ở Cát Bà, Hải Phòng… Tất nhiên, đây chỉ là những sự cố gây ra bởi một bộ phận nhỏ những người làm dịch vụ du lịch. Song trong lúc ngành công nghiệp không khói đang nhận được sự đầu tư, quan tâm đặc biệt để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thì những vụ việc đáng tiếc nêu trên chẳng khác gì những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tác động tiêu cực tới nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến cũng như thương hiệu du lịch quốc gia. Nếu không loại bỏ những hành vi làm du lịch kiểu ăn xổi này, dù cố gắng xúc tiến, quảng bá đến đâu thì du lịch Việt Nam cũng khó lòng ghi điểm trong mắt cộng đồng quốc tế.
Quay trở lại vụ việc du khách bị trả tiền âm phủ, được biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội, Sở Du lịch Hà Nội đã gửi công văn tới Công an thành phố đề nghị điều tra; các lực lượng chức năng lập tức vào cuộc xác minh. Hai du khách nước ngoài cho biết, dù chưa kịp trình báo do phải tiếp tục tham gia tua đi Sa Pa theo lịch trình, nhưng lực lượng chức năng đã chủ động liên lạc động viên và tìm hiểu sự việc cho nên họ cảm thấy khá yên tâm. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời trên cơ sở phối hợp giữa lực lượng thanh tra du lịch và công an đã cho thấy cách làm việc trách nhiệm và sự nhanh nhạy, quyết tâm trong giải quyết các sự cố liên quan đến du lịch. Cách làm việc quyết liệt đi kèm những chế tài xử lý nghiêm minh trong giai đoạn hiện tại sẽ là giải pháp hữu hiệu để răn đe, hạn chế những hành vi lừa đảo, ép giá du khách. Song thiết nghĩ, dù vào cuộc nhanh đến mấy cũng chỉ là để chạy theo giải quyết những sự cố đã rồi. Về lâu dài, để làm trong sạch môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy làm du lịch ăn xổi, chộp giật, ngắn hạn vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cộng đồng.
Đừng làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin hai du khách người nước ngoài phải trả 1,5 triệu đồng cho một chuyến xích-lô tham quan phố cổ trong một giờ đồng hồ; và nhận phải 900 nghìn đồng tiền âm phủ trả lại từ một lái xe ta-xi trong hành trình khám phá Hà Nội. Vụ việc này một lần nữa khiến hình ảnh du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế.