Đừng đốt – không chỉ là một bộ phim

Sự chân thực làm nên thành công

Giáo sư Hoàng Chương mở đầu cuộc hội thảo với một thông tin: “Kể từ khi bộ phim “Đừng đốt” ra mắt, tính đến nay đã có tới hơn 300 bài viết trên các báo mạng internet và blog cá nhân, với nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng đều cho rằng bộ phim tạo được sự xúc động sâu sắc trong lòng người đọc”. Trung tâm chiếu phim quốc gia, kể từ ngày khởi chiếu 29-4 cho đến đầu tháng 6 đã duy trì được gần 100 buổi chiếu, thu hút khoảng hơn 9 nghìn lượt khán giả. Trong số các khán giả, bên cạnh những người ở vào lứa tuổi 40-50, đã có những khán giả ở lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Tôi cho rằng phim này rất khó làm, bởi bản thân cuốn nhật ký đã có sức nặng trong công chúng, với tầm ảnh hưởng lớn, vượt qua biên giới. Thế nhưng khi xem bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi đã thực sự ngạc nhiên. “Đừng đốt” đã mở rộng cả không gian và thời gian của cuốn nhật ký, từ một câu chuyện xảy ra trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, mở rộng sang một không gian khác ở nước Mỹ, với khoảng thời gian kéo dài 30 năm”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, với thủ pháp sử dụng hồi ức thật đậm đặc trong phim, đạo diễn đã tạo nên được sự cộng hưởng của hồi ức từ phía khán giả - những người cùng thời với Đặng Thuỳ Trâm.

Nhà báo Dương Đức Quảng, một người từng ra trận cùng thời với nữ bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhận xét: “Đây là bộ phim thành công, đi vào lòng người, do cách làm chân thực, từ cảnh bắn phá, người dân bị giết chết, khung cảnh bệnh xá trong rừng. Phim đã đánh thức được những kỷ niệm của một thời sống và chiến đấu. Thêm vào đó, đây là cuốn nhật ký chị Trâm viết cho riêng mình, nên có tính chân thực cao, và gây xúc động”.

Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho rằng, tính chân thực là cây cầu nối xuyên suốt bộ phim, đem lại cho bộ phim ngôn ngữ điện ảnh thành công nhất. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đưa bộ phim vượt qua khỏi cuốn nhật ký, không chỉ nói lên được câu chuyện chiến tranh hơn 30 năm trước, mà còn thể hiện được bối cảnh hiện nay của Việt Nam sau cuộc chiến.

Tuyên truyền cho thế hệ trẻ, cách nào?

Cuộc hội ngộ giữa hai bà mẹ trên phim và ngoài đời của
nữ bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Một vấn đề được đặt ra trong cuộc hội thảo là, làm thế nào để thế hệ trẻ hiểu và tiếp cận được bộ phim.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, bộ phim đã nói lên được những khía cạnh khác của chiến tranh, không phải ngẫu nhiên mà trong phim có những cung bậc tình cảm khác nhau. Hình ảnh đẹp nhất của bộ phim, theo PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, là hình ảnh cô Trâm đạp xe trên con đường rợp màu xanh, thể hiện cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù cho cuộc chiến có như thế nào đi nữa. Ở đây, giấc mơ của nhân vật cũng chính là giấc mơ của tác phẩm, đây là cách tiếp cận rất hay, và khán giả phải được tiếp cận theo cách đó. Vấn đề đặt ra là, khán giả trẻ có tiếp cận được tác phẩm hay không.

GS Phong Lê đưa ra ý kiến, nên làm một cuộc điều tra về phản ứng của lớp khán giả trẻ đối với bộ phim, họ thích hay hờ hững với bộ phim. Nếu hờ hững thì tại sao? Đất nước ta đã trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, 80 năm bị đô hộ dưới ách thực dân Pháp, dân ta có lòng yêu nước vô cùng mạnh mẽ, cần phải khơi dậy điều đó ở lớp trẻ.

Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ bác sĩ, anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhận xét, bộ phim còn chưa được nhiều bạn trẻ biết đến. Tuy nhiên, đây là một bộ phim xúc động, thể hiện được lý tưởng, sự hy sinh của cả một thế hệ, được bộc lộ qua một nhân vật Đặng Thuỳ Trâm. Đó là thành công lớn nhất.

Về vấn đề khán giả trẻ, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, khi làm phim, ông hoàn toàn không chủ định nhắm vào đối tượng khán giả nào, chỉ nghĩ đến việc làm tốt nhất trong khả năng của mình. Ông kể lại, đã từng thấy nhiều khán giả trẻ ra khỏi rạp chiếu phim, nước mắt lưng tròng, tìm đến với ông bày tỏ sự xúc động về bộ phim. Điều đó chứng tỏ, không phải khán giả trẻ không hiểu, không đồng cảm, mà họ có quá ít thông tin để tiếp cận với bộ phim. Vấn đề là tuyên truyền, quảng bá cho bộ phim chưa tới được với lớp khán giả này.