Diễn đàn chủ nhật

Đừng để giải thưởng sân khấu mất “sang”

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh kết thúc vào ngày 17/1 vừa qua bằng “cơn mưa” huy chương cùng những câu chuyện lao xao khiến không ít người yêu  kịch nói lo lắng về tương lai của loại hình nghệ thuật này.

“Khóc giữa trời xanh”, 1 trong 6 vở đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021. (Ảnh: Linh Bảo)
“Khóc giữa trời xanh”, 1 trong 6 vở đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021. (Ảnh: Linh Bảo)

Có thể nói, liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 được diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh là một nỗ lực rất lớn của các đơn vị tổ chức  từ trung ương đến địa phương, nhất là sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa sau khi thành phố vừa trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vô cùng khốc liệt. Sau một thời dài đóng cửa vì dịch bệnh, liên hoan đã tạo nên sinh khí mới cho làng kịch thành phố khi có đến 20 đơn vị nghệ thuật đăng ký tham gia liên hoan với 26 vở diễn. Và trong hơn hai tuần diễn ra liên hoan, tại các điểm diễn luôn có đông đảo khán giả, nghệ sĩ đến theo dõi, cùng khóc cười với các nhân vật trên sân khấu. Một số vở đã tạo được cảm xúc cho khán giả khi được dàn dựng chỉn chu, kịch bản chặt chẽ, diễn viên diễn xuất đồng đều. Không ít vai diễn tạo ấn tượng cho người xem bởi tính cách nhân vật độc đáo, diễn viên hóa thân hết mình vào vai diễn.

Nhưng rất tiếc đó chỉ là những điểm sáng ít ỏi trong suốt kỳ liên hoan. Dù tham gia với lực lượng đông đảo nhưng nhìn chung chất lượng của các vở diễn không thật sự nổi bật, thậm chí có phần đi xuống khi không ít tác phẩm dự thi mới chỉ ở mức của các hội diễn phong trào, mang nhiều tính nghiệp dư. Nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa “bỗng dưng” xuất hiện tại liên hoan như nấm mọc sau cơn mưa. Nhưng điều đáng nói nhất chính là sự “đánh đồng” giữa những vở chuyên nghiệp với nghiệp dư, giữa diễn viên được đào tạo bài bản với diễn viên tay ngang lần đầu đóng kịch thể hiện qua “cơn mưa” huy chương được Hội đồng nghệ thuật của liên hoan trao tặng. Với 124 huy chương (vàng, bạc, đồng) dành cho diễn viên, vở diễn, nhiều khán giả nhận xét huy chương được trao quá dễ dàng nên giá trị của mỗi huy chương mà các diễn viên, đơn vị nghệ thuật nhận được kém thuyết phục còn giải thưởng thì kém “sang” đi rất nhiều. Bên cạnh đó, việc diễn viên M.B, người đã từng ngồi tù ở nước ngoài vì tội ấu dâm, đã tham dự liên hoan này bằng một vai chính và nhận huy chương bạc cũng tạo ra những làn sóng dư luận trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng  để diễn viên này xuất hiện tại liên hoan đã vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ trên sân khấu, còn việc trao Huy chương bạc với lý do thuần nghệ thuật là không thuyết phục. Là nghệ sĩ hay người của công chúng, bên cạnh năng lực nghệ thuật thì các tiêu chuẩn về đạo đức, nhân phẩm, hành vi ứng xử… là những yếu tố quan trọng không kém để đánh giá và trao giải thưởng.
 
Sân khấu vốn được xem như là một trong những thánh đường của nghệ thuật biểu diễn. Khi cánh màn nhung mở ra, những người nghệ sĩ sẽ thăng hoa cùng với nhân vật của mình, mang đến cho khán giả những giá trị đẹp về nghệ thuật, về cuộc sống, về con người. Thưởng thức một vở diễn hay, người xem không chỉ được thỏa mãn nhu cầu giải trí, thư giãn mà còn được tiếp nhận những tinh hoa nghệ thuật mà một vở diễn mang lại, qua đó làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Và liên hoan này đáng lẽ phải là nơi hội tụ những gì tinh hoa nhất của sân khấu trong ba năm qua; là sân chơi để các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo và tình yêu của mình đối với nghề. Việc trao huy chương ở các liên hoan là cần thiết, nhưng nó phải được trao cho những cá nhân, những vở diễn xứng đáng thì mới phát huy được giá trị của tấm huy chương. Nếu không, nó sẽ khiến cho liên hoan thiếu tính chuyên nghiệp mà mang tính phong trào là chính, đánh mất đi sự sang trọng của một cuộc hội ngộ các tinh hoa kịch nói trong suốt ba năm qua. Và nhất là tạo tâm lý “đi hội diễn vì huy chương” hơn là để học hỏi, thể hiện sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Trên thực tế, qua liên hoan lần này, ít nhiều cho thấy được tâm lý “gom góp huy chương” để làm vốn cho việc xét tặng danh hiệu về sau của một số diễn viên qua việc hàng loạt đơn vị biểu diễn mới toanh xuất hiện.

Liên hoan đã khép lại. Phía sau những chiếc huy chương vàng, bạc, đồng vẫn là nỗi lo của những người nghệ sĩ chân chính, của một vài sân khấu “thứ thiệt”  khi nhìn về tương lai của sân khấu kịch nói. Đó là nỗi lo làm sao kéo khán giả đến rạp sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch bệnh; làm sao giữ được tình yêu với nghề để sân khấu tiếp tục sáng đèn? Những nỗi lo ấy của các đơn vị xã hội hóa vẫn chưa được các cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn chia sẻ, hỗ trợ một cách hiệu quả. Và nếu không có sự thay đổi phù hợp, kịp thời, tâm lý đi hội diễn chỉ để lấy huy chương “làm vốn” vẫn tiếp tục tồn tại. Khi đó, liên hoan cũng chỉ là nơi để các nghệ sĩ “vui vài trống canh” trong khi ánh hào quang của thánh đường sân khấu thì ngày càng xa dần.