Theo các nghiên cứu, số lượng bệnh nhân glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glôcôm thuộc về khu vực châu Á).
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31% đến 33%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25 - 59 tuổi) chiếm 63%.
Glôcôm là căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực nhưng nếu được phát hiện sớm và được điều trị can thiệp kịp thời thì có thể phòng và chữa được. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao.
BS Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, một vấn đề đáng báo động là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc điều này có thể dẫn đến mắt bị glôcôm nếu dùng trong thời gian dài.
Vì vậy, theo bác sĩ Cương, bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.