Đừng để bệnh viện thành “con nợ”

Chưa khi nào ngành Y tế đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, khi cùng lúc phải giải quyết nhiều bài toán. Gần ba năm huy động tổng lực và có sự hỗ trợ, tham gia của nhiều lực lượng, nhưng nguy cơ tái phát dịch Covid-19 vẫn còn đó; trong khi các dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, Adenovirus, cúm, đậu mùa khỉ đang rình rập lây lan.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc đang tiếp tục diễn ra; nhiều bệnh viện vẫn loay hoay tìm các giải pháp để mua nhanh được thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế với giá cả hợp lý và phải đúng các quy định... Đáng chú ý, do các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được cơ quan quản lý bảo hiểm y tế thanh toán kịp thời dẫn đến nhiều bệnh viện trở thành “con nợ” của các nhà thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế; nhiều bệnh viện không còn nguồn để chi thu nhập tăng thêm dẫn đến áp lực nhân viên y tế xin nghỉ việc ngày càng tăng.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra (phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023) đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn chia sẻ những bất cập trong việc thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, từ năm 2020 đến 8/2022, các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đang bị cơ quan quản lý bảo hiểm y tế từ chối thanh toán khoảng 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân từ chối thanh toán là do vượt quá tổng mức thanh toán được duyệt, nhưng điều này được cho là không hợp lý, vì việc vượt tổng mức là do số bệnh nhân đến khám, điều trị tăng… trong khi mức thanh toán chỉ giới hạn trong tổng mức đã duyệt.

Thực tế đó đòi hỏi các cấp có thẩm quyền sớm có các biện pháp tháo gỡ ngay vướng mắc, bất cập này để giải quyết nhanh nguồn kinh phí, giúp các bệnh viện duy trì hoạt động, cũng như có nguồn lực để giữ chân, thu hút nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, về lâu dài, phải sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan, có như vậy, bệnh viện mới tránh được nguy cơ trở thành “con nợ”, người thầy thuốc chỉ tập trung vào làm công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh. Được biết, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (hiện dự thảo quy định và hướng dẫn đang được Bộ Tư pháp thẩm định). Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, về phía cơ quan bảo hiểm y tế cần cân đối thu-chi bằng hướng tiếp cận khác, tính toán đa dạng các nguồn thu. Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm soát; điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Đồng thời sớm thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, làm căn cứ để xây dựng các định mức chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Việc cơ quan quản lý bảo hiểm y tế thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn các tỉnh, thành phố trung tâm theo phương thức tổng mức thanh toán là không hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Vì thế cần thực hiện thanh toán theo đa phương thức: khoán định suất đối với khám, điều trị ngoại trú; thanh toán theo nhóm bệnh đối với các bệnh phổ biến; thanh toán thực chi đối với các bệnh nặng, phức tạp. Tại các thành phố lớn có thể thành lập cơ quan, đơn vị độc lập để thẩm định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.