Số liệu của Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm đáng kể vào cuối năm 2021. Từ tháng 10 đến 12/2021, nền kinh tế điều chỉnh theo giá và theo mùa suy giảm 0,7% so với quý III/2021 và so với mức dự báo giảm 0,3% do chịu sức ép nặng nề của làn sóng lây nhiễm biến thể Delta trước Giáng sinh và sự xuất hiện của biến thể Omicron trong quý IV/2021 cũng như các biện pháp hạn chế phòng dịch. Vì thế, sau khi sản lượng kinh tế tăng trưởng trở lại vào mùa hè, sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã chững lại vào cuối năm 2021. Tiêu dùng cá nhân trong quý IV giảm so với quý trước đó, chủ yếu do các nhà bán lẻ, nhà hàng và nhà cung cấp dịch vụ một lần nữa phải tuân thủ các quy định chống dịch nghiêm ngặt hơn. Trái lại, chi tiêu tiêu dùng của chính phủ lại tăng trong quý IV, trong khi đầu tư xây dựng giảm. Xét về tổng thể, sản lượng kinh tế cả năm 2021 đạt 2,8%, tốt hơn so với dự báo trước đó ở mức 2,7%. Tuy nhiên, điều này cũng không bù đắp được mức sụt giảm tới 4,6% từ năm 2020 sau khi đại dịch bùng phát.
Các chuyên gia lo ngại nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm và có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật khác, điều vốn xảy ra khi sức mạnh kinh tế giảm trong hai quý liên tiếp. Diễn biến phức tạp của đại dịch buộc Chính phủ Đức phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022. Theo Bộ Kinh tế Đức, GDP của nước này ước tính sẽ tăng 3,6% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó. Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron xuất hiện là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi mà bằng chứng là những tháng đầu năm nay, kinh tế hoạt động cầm chừng, đặc biệt là các ngành dịch vụ.
Quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu vốn bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu nguyên liệu thô do đại dịch gây ra, đã trải qua tiến trình phục hồi chậm chạp hơn so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu. Chế tạo ô-tô là ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với những gã khổng lồ như Volkswagen, BMW và Daimler buộc phải cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy do tình trạng thiếu chip bán dẫn. Nền kinh tế Đức ước tính thiệt hại 350 tỷ euro, chủ yếu do sụt giảm tiêu dùng cá nhân, cũng như các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Trong bối cảnh châu Âu vẫn là một “điểm nóng” của dịch Covid-19, các nỗ lực “vượt dốc” khủng hoảng và thúc đẩy phục hồi kinh tế của Đức vẫn đối mặt không ít rủi ro. Các chuyên gia cảnh báo, việc mở cửa quá sớm sẽ làm nảy sinh nguy cơ tăng gánh nặng trở lại cho hệ thống y tế và người dân tiếp tục được yêu cầu hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm. Tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn là yếu tố bảo đảm kiểm soát bền vững đại dịch và đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu chỉ đạt tốc độ trở lại khi làn sóng dịch Covid-19 chững lại và những “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khắc phục trong năm 2022. Chi tiêu tiêu dùng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh các doanh nghiệp dần dần phục hồi và đáp ứng nhu cầu bị dồn nén từ lâu của người dân. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng hy vọng có thể đạt xuất khẩu cao hơn khi tiến trình phục hồi toàn cầu sau cú sốc đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả khi GDP của Đức vào cuối năm 2022 đạt được mức trước khủng hoảng, vẫn có một khoảng cách đáng kể trong hoạt động kinh tế so với trước khi đại dịch bùng phát. Theo các nhà phân tích, phải đến khi tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ mạnh mẽ trong vài năm tới, khoảng cách giữa giá trị gia tăng và thu nhập do đại dịch gây ra mới có thể được từng bước thu hẹp.