Đưa tinh hoa lụa Nha Xá vươn xa

Làng lụa Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) nép mình bên dòng sông Hồng với bãi bồi dâu xanh và những cánh đồng xanh ngát. Trong nhịp phát triển rộn ràng, tươi mới hôm nay, làng quê ươm tơ dệt lụa vẫn ẩn chứa hồn cốt, dấu vết truyền thống bao đời. Câu phương ngôn "Lụa Nha Xá, cá sông Lảnh" vẫn được người làng lưu truyền trong niềm tự hào.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làng lụa Nha Xá (Hà Nam) miệt mài giữ nghề. (Ảnh LÊ BÍCH)
Người dân làng lụa Nha Xá (Hà Nam) miệt mài giữ nghề. (Ảnh LÊ BÍCH)

Theo sử sách, các thần tích, sắc phong lưu giữ tại đình làng Nha Xá, nghề dệt lụa nơi đây được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Dân làng thờ danh tướng Trần Khánh Dư là ông tổ truyền nghề.

Chọn con đường bền vững…

Truyền thuyết kể rằng, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi, Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại Duy Tiên. Ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa, ngoài việc tu hành, còn dạy dân nghề ươm cá bột. Hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng cao, trứng cá, cá con từ thượng nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, ông hướng dẫn người dân vớt về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con, phải có vợt bằng chất liệu mỏng mềm. Từ đó, cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ dệt lụa ra đời với nền tảng ban đầu là dệt săm - chất liệu để may vợt cá. Người dân dệt được lụa và ngày càng vững nghề, tiếng lành đồn xa, thương lái tìm đến rất đông. Có những lúc, trong làng có cả nghề gánh lụa thuê để đưa lên thuyền chuyển về kinh thành hoặc phân phối đi các nơi. Lụa Nha Xá vang danh từ đó.

Chúng tôi về thăm làng lụa Nha Xá một ngày đầu mùa hè nắng chan hòa. Từ xa, những tán phượng thắp lửa đỏ rực điểm xuyết từng mái nhà dân và hợp tác xã. Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng (Hợp tác xã Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến) chia sẻ: Làng lụa giờ có gần 400 máy dệt, mỗi tháng làm ra gần 5.000m lụa, sản phẩm được tiêu thụ khắp thị trường trong nước và ngoài nước, đôi khi còn cháy hàng! Với bề dày truyền thống, trải qua bao thăng trầm cùng dòng chảy văn hóa và lịch sử, đến nay, lụa Nha Xá đã đứng vững trên thị trường với các dòng sản phẩm lụa tơ tằm và các dòng liên quan. Trong lĩnh vực thời trang, còn là các sản phẩm lụa hoa, lụa cao cấp, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Nói về đặc trưng làm nên nét riêng của lụa Nha Xá, nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng cho biết, lụa đúng chất liệu tơ tằm cho nên mỏng, nhẹ, mát về mùa hè, ấm về mùa đông và giá thành còn thấp, không mang tính chất thương mại. Xuyên suốt quá trình xây dựng thương hiệu, làng nghề rất chú trọng bảo vệ môi trường. Hiện Nha Xá là một trong những làng nghề hiếm hoi sử dụng chất liệu từ thiên nhiên như: Củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Bởi vậy, sản phẩm lụa không chỉ bền mầu mà còn được người dùng ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng và sự an toàn. Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng hướng đến chuyển dần các túi, hộp đựng sản phẩm bằng ni-lông sang hộp bằng vỏ tre, vỏ giấy với mẫu bao bì tham khảo từ Thái Lan, Nhật Bản… và sắp tới sẽ thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã phù hợp với chất liệu, thị trường. Để du khách hiểu biết và tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất, nhiều hộ gia đình đã tạo dựng những phân xưởng nhỏ để khách tham quan, trải nghiệm quy trình ươm tơ, dệt lụa. Đó cũng là cách để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thiết thực.

Ngày nay, quy mô sản xuất của làng lụa Nha Xá được mở rộng theo hướng hiện đại hóa. Nhiều gia đình đóng thêm máy dệt hoặc thay khung gỗ thành khung sắt. Trước đây, mỗi hộ gia đình dệt lụa phải làm đủ các công đoạn, nay đã chuyển sang chuyên môn hóa. Mỗi hộ chỉ chuyên tâm vào một khâu như hộ dệt chỉ dệt, hộ nhuộm chuyên nhuộm. Vì vậy chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn, mẫu mã phong phú, đa dạng. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh…

Ngoài ra, làng Nha Xá còn chú ý đến may các sản phẩm từ lụa để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, như áo dài, khăn quàng cổ, cà-vạt, khăn lụa đũi dâu, chăn và gối lụa tơ tằm thêu hoa, chăn và gối lụa tơ tằm thêu bóng, túi, ví, ba-lô làm từ lụa. Nghề dệt lụa Nha Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Đây là động lực để nghề dệt truyền thống Nha Xá tiếp tục phát huy những giá trị của mình và hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai.

Với tâm huyết được truyền từ bao đời và nỗ lực không ngừng nghỉ, người làm nghề đã thể hiện sự tài hoa, tinh tế và sáng tạo qua các sản phẩm lụa phong phú, độc đáo và có tính thẩm mỹ cao. Các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong con đường tơ lụa của Việt Nam. Từ Nha Xá, nghề dệt lụa đã lan rộng sang những vùng lân cận như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hòa Mạc, Đồng Văn... và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm gia đình. Với bản chất cần cù, ham học hỏi, lại nhanh nhạy với thị trường, người Nha Xá đã mang những sản phẩm lụa của làng tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Nguy cơ mai một

Dù đạt thành tựu rực rỡ, song, làng lụa Nha Xá vẫn đứng trước nguy cơ mai một. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề là yêu cầu khách quan, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc quan tâm phát triển các loại hình du lịch làng nghề, đổi mới cơ chế, chính sách huy động nguồn lực vào việc quảng bá nghề dệt lụa truyền thống, rất cần sự quan tâm, tôn vinh tài năng nghệ nhân làng nghề. Hiện Nha Xá có khoảng 45 người trong danh sách những người thực hành và truyền dạy nghề dệt lụa. Họ chính là đội ngũ giàu cống hiến, có sứ mệnh lĩnh hội, cải biến, bổ sung và truyền nghề cũng là cầu nối giữa giá trị truyền thống với các thế hệ mai sau để tạo nguồn lực hình thành nên thế hệ nghệ nhân mới. Muốn vậy cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích.

Chủ một số cơ sở dệt lụa trong làng tâm sự, nghệ nhân có tay nghề cao, gắn bó với nghề còn rất ít. Đã thế, có những cơ sở sản xuất vẫn hoạt động theo hướng manh mún, tự phát dẫn tới tình trạng không ổn định, chạy theo lợi nhuận mà không coi trọng yếu tố giữ nghề. Chưa kể, mối liên kết các hộ đôi khi còn lỏng lẻo dẫn tới bị ép giá hoặc đưa hàng kém chất lượng ra thị trường. Ngoài ra, sản phẩm làng nghề ở nhiều giai đoạn không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập ngoại, giá rẻ.

Để tinh hoa nghề dệt lụa ở làng Nha Xá được giữ gìn, phát triển, cần thiết phải đầu tư các lớp đào tạo cho nguồn lao động tại địa phương, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao tay nghề; cập nhật các xu hướng, mẫu mã sản phẩm mới và nhanh chóng hướng đến mục tiêu xây dựng khu trung tâm công nghiệp-làng nghề một cách chuyên nghiệp; có chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất tìm được thị trường tiêu thụ. Có được những bước đi như vậy, vị thế lụa Nha Xá trên thị trường mới có thể vững bền, tạo nên uy tín thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế.

Thời gian gần đây, ý kiến từ giới chuyên môn cũng cho rằng, du lịch cộng đồng là một hướng phát triển đầy hứa hẹn có thể giúp các làng nghề truyền thống như Nha Xá phát triển hơn.

Cụ thể, người dân làm nghề không chỉ sản xuất sản phẩm để dùng cho một mục đích mà cần phát triển giá trị văn hóa, tinh thần để trở thành sản phẩm du lịch. Bản thân người làm nghề cũng cần thay đổi tư duy, chủ động trong tiếp cận thị trường, liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau, làm đầu mối cho các doanh nghiệp kinh doanh; nâng cao năng lực thuyết trình để giới thiệu sản phẩm và thu hút khách du lịch tham gia vào các hoạt động trải nghiệm ở làng nghề.

Để phát triển làng nghề, người thợ cần phải linh hoạt, biến du khách trở thành đại sứ du lịch cho làng nghề của mình, đưa sản phẩm làng nghề đi khắp mọi nơi… Du lịch cộng đồng phát triển sẽ tạo cơ hội lớn để những người trẻ tuổi trong các làng nghề không ly hương, ở lại phát triển nghề truyền thống với niềm đam mê và tự hào.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, quy mô, thì vấn đề môi trường, cụ thể là xử lý nước thải rất quan trọng. Dù đã có hộ mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng người dân nơi đây vẫn luôn mơ ước có một nhà máy xử lý nước thải hiện đại được đầu tư hoạt động để môi trường cảnh quan luôn xanh-sạch-đẹp.