Đưa thương hiệu bánh mì Việt Nam bay xa

Lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về bánh mì Việt Nam được tổ chức đã cho mọi người hiểu rõ hơn về hành trình của bánh mì Việt. Không chỉ thế, từ một món ăn du nhập vào Việt Nam cách nay hơn 100 năm, bánh mì giờ đây đã là món ăn quen thuộc với tất cả người Việt; đồng thời, trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều loại sản phẩm bánh mì mới được giới thiệu tại hội thảo khoa học quốc tế về bánh mì vừa qua.
Nhiều loại sản phẩm bánh mì mới được giới thiệu tại hội thảo khoa học quốc tế về bánh mì vừa qua.

Nhắc đến bánh mì Việt là nhắc đến một món ăn đường phố được nhiều người ưa chuộng vì độ ngon và sự tiện lợi. Bằng sự giao thoa về văn hóa cũng như sự sáng tạo của người Việt, bánh mì giờ đây không chỉ là một món ăn đường phố bình thường.

Từ món ăn “ngoại lai”

Tại hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam về bánh mì, với chủ đề “Hành trình bánh mì Việt Nam, từ giao thoa văn hóa đến giá trị thương hiệu quốc gia”, Tiến sĩ Vũ Thế Long (Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam) cho biết, vào những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền bắc Việt Nam, người ta gọi bánh mì là bánh Tây (thứ bánh của người Pháp đưa vào cùng với đội quân viễn chinh của Pháp). Ngày ấy, trong các trại lính Pháp, những khu cư trú của người Pháp, người ta xây những lò bánh mì để phục vụ cho đội quân viễn chinh Pháp và các quan chức Pháp sống ở thuộc địa. Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, người Việt đầu tiên ghi lại về bánh mì chính là Nguyễn Ðình Chiểu, nhà thơ lớn của đất Gia Ðịnh-xứ Nam Kỳ. Năm 1861, hai năm sau khi thành Gia Ðịnh thất thủ, ông viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, có câu: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Người Việt ban đầu ghét quân xâm lược nên cũng không ưa những phong tục phương Tây mang đến, trong đó có văn hóa ẩm thực. “Tuyên ngôn này của Ðồ Chiểu đã phát động phong trào đối kháng cả tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây. Nhiều người đã theo ông tẩy chay bánh mì, rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông…” - ông Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ. Tuy vậy, lâu dần, bánh mì đã gắn bó với đời sống sinh hoạt thường ngày của người Việt Nam từ lúc nào không biết, trở nên thân thuộc, gần gũi. Những khách hàng đầu tiên mua bánh mì có thể kể đến là học sinh trường Tây thời cũ, bồi bàn, công chức tân trào,… Sau này, bánh mì dần phổ biến đến khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn. Ban đầu, món bánh của người Tây này được thưởng thức như một món ăn chơi. Sau đó, được biến tấu thành bữa ăn chính cho đến ngày nay nhờ vào sự tiện lợi và dinh dưỡng mà nó mang lại.

Đến món ăn nổi tiếng thế giới

Nói về cuộc hội nhập của bánh mì ở đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tâm đắc: “Sài Gòn tự nó đã là một thành phố ngã ba đường, nối được những luồng thông thương chủ yếu với thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, sự giao lưu không ngừng của những con người, những tư tưởng, luồng tư bản, hàng hóa. Bối cảnh lịch sử, văn hóa của việc hội nhập bánh mì là quá trình tiêu biểu cho cuộc đụng đầu lịch sử: tập trung những xung đột và giao lưu, áp đặt và giải trừ, áp bức và đấu tranh, thắng lợi và thất bại, tình trạng thế giới hóa và nỗ lực bảo tồn phong hóa. Ðể rồi giờ đây, bánh mì đã là một thành tố quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt”. Hành trình biến bánh mì trở thành thành tố quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt không chỉ được thể hiện bằng tinh thần mà còn bằng sự tiếp nhận sáng tạo của Việt Nam đối với món ăn vốn dĩ không phải của cộng đồng mình, từ việc đổi mới trong cách thức pha bột để cho vỏ bánh mì trở nên giòn, xốp hơn,… cho đến sự thăng hoa từ các loại nhân bánh mì mà chắc không có bánh mì tại quốc gia nào trên thế giới lại đa dạng về nhân bánh mì như Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Quyền Viện trưởng Viện Mekong cho rằng, sự biến tấu về nhân bánh mì chắc là phần mang lại sự độc đáo, hấp dẫn, và khác biệt của bánh mì. Từ bánh mì thịt nguội, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá, bánh mì heo quay, bánh mì chấm sữa đặc, bánh mì hấp,… đến từng loại sốt bánh mì để có thể phù hợp khẩu vị với từng loại nhân bánh, khẩu vị của từng vùng miền đã tạo cho bánh mì Việt Nam vượt ra khỏi phạm vi chỉ là một món ăn mà trở thành “thương hiệu” của ẩm thực Việt trên thế giới.

Ðặc biệt, ở Sài Gòn xưa, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, vùng đất giao thoa và hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau, vốn nổi danh với sự phóng khoáng, bánh mì như thể “thánh ca” của nền ẩm thực. Tại Sài Gòn, bánh mì không chỉ là món ăn phổ biến mà nó còn là một nét văn hóa, một minh chứng cho nhu cầu ẩm thực đa dạng của người dân. Không chỉ đơn giản là bánh mì thịt với rau dưa, hành ngò, người Sài Gòn đã có thêm rất nhiều biến tấu về nhân cho bánh mì: Bánh mì ốp la, bánh mì xíu mại, bánh mì heo quay, bánh mì bì, bánh mì chả cá, bánh mì phá lấu… Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, hương vị đặc trưng của bánh mì Sài Gòn, có lẽ chính là hương vị của sự cởi mở như sự đa dạng của nhân bánh, nhiệt tình như lớp vỏ xốp giòn và đủ loại xốt chan ướt đẫm mà không ngại bánh sẽ kém ngon đi. Nhưng không chỉ bánh mì trong tiệm mới đáng nếm, mà ngay cả những quầy bánh mì ven đường hay những gánh rong ở Sài Gòn cũng có thể làm ra thứ bánh mì ngon tuyệt vời. “Chỉ cần một tủ kiếng bày nguyên vật liệu, một cái lò than giữ bánh mì lúc nào cũng giòn, một cái lò cù lao để hầm xíu mại, cái bếp chiên chả cá… nụ cười hồ hởi của người dân Sài Gòn mến khách, là đủ cho ổ bánh mì thịt Sài Gòn đầy ắp trọn vẹn hương vị nghĩa tình” - bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Quyền Viện trưởng Viện Mekong chia sẻ.

Giờ đây, khi gõ từ khóa “Banh mi” trên Google, vỏn vẹn chỉ trong nửa giây, chúng ta sẽ có ngay khoảng 29,3 triệu kết quả tìm kiếm. Trang “asianwaytravel” ghi nhận trong hơn một thế kỷ tồn tại, bánh mì Việt đạt được không ít những cột mốc quan trọng. Ngày 24/3/2011, từ “banh mi” được thêm vào từ điển Oxford. Năm 2017, Tạp chí du lịch “Rough Guides” cho rằng bánh mì Việt là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Ðến tháng 9 năm nay, từ điển Merriam-Webster danh tiếng của Mỹ đã đưa món bánh mì vào danh mục từ mới. Có thể nói, bánh mì Việt đã định vị được thương hiệu ẩm thực quốc gia trên bản đồ ẩm thực thế giới. Bánh mì giờ đây đã thật sự tạo được “làn sóng yêu thích mạnh mẽ” đối với thực khách, khách du lịch nước ngoài. Và để bánh mì bay xa hơn, Việt Nam cần có thêm nhiều hoạt động hữu ích như lễ hội bánh mì, ngày bánh mì Việt Nam… nhằm góp phần khẳng định thêm giá trị của bánh mì, giá trị của văn hóa Việt Nam.