Đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghệ sinh học

Với lợi thế là cái nôi khoa học-công nghệ cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi để phát triển, trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất về công nghệ sinh học. Ðồng thời, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng nuôi cấy mô hoa lan Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Phòng nuôi cấy mô hoa lan Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Để ngăn ngừa bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết ở cá tra, là loại bệnh nguy hiểm đối với nghề nuôi cá da trơn ở đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố đã nghiên cứu phát triển được vắc-xin có tiềm năng phòng ngừa loại bệnh này bằng phương pháp đột biến nhược độc WZZ trên vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Vi khuẩn Edwardsiella ictaluri là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan thận mủ trên cá tra.

Các nhà khoa học Phòng Công nghệ sinh học thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố đã gây đột biến gene WZZ trên vi khuẩn Edwardsiella ictaluri khiến cho vi khuẩn này từ một chủng gây độc trở thành chủng không gây độc tồn tại trong cá, tạo ra các chất miễn dịch, chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Kết quả này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố cũng đã phát triển thành công chế phẩm probiotics chứa vi khuẩn Bacillus spp có khả năng ức chế các vi khuẩn có hại tồn tại trong môi trường ao nuôi, có tính đối kháng mạnh với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra. Ðiểm nổi bật là chế phẩm probiotics chứa hàm lượng vi khuẩn có lợi dạng bào tử với mật độ cao, người nuôi sử dụng trực tiếp xuống ao không cần phải ủ qua 24 giờ như các sản phẩm vi sinh khác đang được bán rộng rãi trên thị trường. Chế phẩm này giúp kiểm soát môi trường nước ao nuôi, duy trì tốt các yếu tố lý-hóa luôn trong mức cho phép, góp phần tăng sức đề kháng cho cá nuôi.

Ðến nay, trung tâm đã xây dựng được bộ sưu tập khoảng 400 giống hoa lan (trong đó có 145 giống lan rừng). Trong số này, có 12 dòng lan lai (Dendrobium) mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ giống mới do có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống thương mại hiện có về khả năng ra hoa, phát hoa dài, nhiều hoa, hoa lâu tàn và chống chịu sâu bệnh. Ðây là nguồn vật liệu quý cho công tác nghiên cứu, nhân giống và chọn tạo giống mới.

Ðơn vị cũng đã lai tạo thành công hai giống dưa lưới F1 chất lượng cao, có dạng quả oval, trọng lượng quả lớn, độ đồng đều cao, thịt quả giòn, ngọt, bảo quản lâu, thích hợp cho vận chuyển xa. Giống dưa này có thể trồng quanh năm trong nhà màng có tưới nhỏ giọt, cây sinh trưởng khỏe, kháng bệnh sương mai, phấn trắng cuối vụ, chịu nóng tốt, khả năng đậu quả trên 95%, năng suất đạt từ 35-37 tấn/ha.

Trung tâm đã nghiên cứu thành công hai giống cà chua bi F1 thuộc giống sinh trưởng vô hạn, có quả tròn, đặc ruột, giòn, ngọt, chịu nhiệt. Các dòng rau ăn quả như dưa leo đơn tính thuần, ớt chỉ thiên thuần… cũng được lai tạo với kết quả ban đầu khá tốt và đang được nghiên cứu, khảo nghiệm để có thể đưa vào sản xuất trong tương lai gần.

Theo Ban Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố giai đoạn 2012-2022, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên cả ba mặt: Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Trung tâm đã tạo được 39 sản phẩm sinh học và có khả năng chuyển giao 23 quy trình công nghệ phục vụ cho các chương trình trọng điểm của thành phố; các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; đồng thời đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật cho nhiều đơn vị ở khu vực phía nam góp phần vào việc phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Sớm nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố đã ưu tiên đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng ngành công nghệ sinh học. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo các giống cây trồng là hướng nghiên cứu được đẩy mạnh. Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng mới, xây dựng các quy trình nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng, dược liệu…

Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và công nghệ nano trong trồng trọt đã tạo được nhiều chế phẩm sinh học ứng dụng thực tiễn. Ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, điều trị-phòng bệnh, quy trình nuôi dưỡng đã nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong lĩnh vực y dược, một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc hướng đến phát triển các chế phẩm ứng dụng trong điều trị bệnh bước đầu được triển khai hiệu quả trong sản xuất và thương mại.

Tại tọa đàm góp ý dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, các chuyên gia đề xuất xây dựng trung tâm công nghệ sinh học quốc gia phía nam trên cơ sở Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là trung tâm đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp-trường, viện trong các nghiên cứu về công nghệ sinh học...

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết: Thành phố đang xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc giúp giải quyết các bài toán lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Theo dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu đưa công nghiệp sinh học trở thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GRDP của thành phố. Công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến trên một số lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu cả nước về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học.