Khó khăn khi sử dụng sữa mẹ hiến tặng trong điều trị cho trẻ sinh non
Với Quyết định số 2394/QĐ-BYT ngày 14/5/2021 của Bộ Y tế, việc thiết lập và vận hành mạng lưới ngân hàng sữa mẹ Việt Nam đã được chính thức quy định trong hệ thống pháp luật.
Giống như ngân hàng máu, các ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và bảo đảm hiến sữa tự nguyện, nhằm cung cấp sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho những trẻ sơ sinh không có cơ hội được bú mẹ do phải điều trị hoặc mẹ có vấn đề về sức khỏe.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng sữa mẹ là giải pháp có thể phòng ngừa hơn 800 nghìn ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ kém may mắn không được tiếp cận với sữa của mẹ đẻ.
Theo khuyến cáo của WHO, khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng là lựa chọn thứ 2, bởi không chỉ đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng nuôi sống trẻ, sữa mẹ góp phần thiết yếu vào quá trình điều trị và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, từ đó giúp giảm chi phí điều trị y tế.
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương được ăn sữa từ ngân hàng sữa mẹ qua sonde dạ dày. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Đồng thời, việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ thông qua mạng lưới ngân hàng sữa mẹ sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội, khi trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh so với trẻ dùng sữa công thức, từ đó khỏe mạnh hơn và giảm được nhiều chi phí điều trị khác trong tương lai.
Tuy nhiên, giá thành của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng đang ở mức cao, với chi phí trung bình là 882 nghìn đồng/đợt điều trị sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng/trẻ. Trường hợp sử dụng sữa nhiều nhất lên tới 31 triệu đồng khi trẻ có mẹ bị mắc Covid-19 biến chứng nặng suy hô hấp.
Khoản tiền này có thể trở thành gánh nặng với các gia đình có thu nhập thấp hoặc gia đình có trẻ sơ sinh bệnh lý phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, do phí sử dụng sữa mẹ hiện đang được xem là một dạng phí dịch vụ, không được bảo hiểm y tế chi trả.
Hàng nghìn trẻ được hưởng lợi từ Ngân hàng Sữa Mẹ đầu tiên tại Hà Nội
Từng trải qua đợt điều trị cho bé sơ sinh bằng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, chị Nguyễn Ngọc Lan Hương (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Bé nhà mình ở khoa sơ sinh ngày 1 dùng 70ml sữa công thức hết 7 nghìn đồng và ngày 2 dùng 430ml sữa mẹ thanh trùng hết 540 nghìn đồng/ngày”.
Theo chị Lan Hương, với những bé sinh non, nhẹ cân, có vấn đề về sức khỏe cần chăm sóc tại khu sơ sinh từ vài ngày đến vài tuần thì chi phí sữa mẹ có thể lên đến 3,5 triệu đồng/7 ngày.
“Nếu như một bé mới sinh ra mà có vấn đề sức khỏe, sinh non hay nhẹ cân thì điều trị cũng phải tính bằng tuần đến tháng. Nếu 1 ngày đã hết 500 nghìn đồng tiền sữa mẹ thì 1 tuần đã hết 3,5 triệu đồng, mà với mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/tháng thì các bà mẹ khó có thể chi trả”, chị Lan Hương chia sẻ.
San sẻ gánh nặng cho gia đình có trẻ sinh non
Trữ sữa mẹ hiến tặng tại một ngân hàng sữa mẹ. (Ảnh: TTXVN) |
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ đẻ sống, trong đó 41 nghìn trẻ đẻ non và 54 nghìn trẻ nhẹ cân. Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cho thấy, ước tính mỗi năm có khoảng 35 nghìn trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý có nhu cầu sử dụng khoảng 100 lít sữa mẹ hiến tặng thanh trùng mỗi ngày.
Cho tới nay, Việt Nam đã có 5 ngân hàng sữa mẹ và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh, gồm ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng (khai trương năm 2017), ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ tại Thành phố Hồ Chí Minh (2019), ngân hàng sữa mẹ Quảng Ninh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (2020), ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương (2021), ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương (2022), 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam kết nối với ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng và tại Bệnh viện quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) kết nối với ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ đều khai trương vào năm 2020.
Nếu vận hành tối đa công suất, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ có thể thanh trùng được 102 lít sữa mỗi ngày, đáp ứng đủ nhu cầu toàn quốc thông qua hệ thống vận chuyển lạnh.
Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có hệ thống ngân hàng sữa mẹ có chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Trong số 5 quốc gia Đông Nam Á có ngân hàng sữa mẹ, Myanmar, Singapore và Thái Lan đã đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục bảo hiểm chi trả, chỉ còn Philippines và Việt Nam chưa quy định nội dung này.
Theo ước tính của Viện Chiến lược chính sách y tế, Bộ Y tế, nếu toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định, quỹ bảo hiểm y tế sẽ tiết kiệm được mỗi năm từ 38,3-76,7 tỷ đồng; tổng chi phí tiết kiệm trong 10 năm là 404,3 tỷ đồng.
Chi phí tiết kiệm này đến từ việc giảm chi phí điều trị các bệnh lý như: Viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch cho trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý, giảm thời gian nằm viện, giảm sử dụng kháng sinh.
Trong khi đó, nếu quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho nhóm trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý thì mỗi năm quỹ cần chi trả thêm từ 7,6-15,5 tỷ đồng; tổng chi phí quỹ bảo hiểm y tế cần chi trả thêm trong 10 năm là 76,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,07% tổng quỹ bảo hiểm y tế.
Như vậy, theo phân tích của Chương trình Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và Phát triển), có thể thấy trong 10 năm, tổng chi phí Quỹ Bảo hiểm y tế cần chi trả (76,7 tỷ đồng) thấp hơn so với chi phí điều trị có thể tiết kiệm được cho quỹ (404,3 tỷ đồng).
Tỷ số lợi ích-chi phí trong 10 năm là 5,3 lần. Tổng số chi phí dự kiến tiết kiệm được trong 10 năm là 327,6 tỷ đồng.
Hiệu quả từ Ngân hàng Sữa mẹ vệ tinh
Theo Alive & Thrive, bảo hiểm y tế chi trả cho sữa mẹ thanh trùng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được vận hành tối đa công suất, qua đó giúp trẻ đẻ non, bệnh lý chưa có sữa mẹ đẻ được tiếp cận sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.
Kết hợp với những lợi ích xã hội gián tiếp từ như thúc đẩy nuôi con sữa mẹ, giảm nguy cơ bệnh tật cho bà mẹ, tăng chỉ số nhận thức IQ cho trẻ và cơ hội phát triển trong tương lai, đây là một khoản đầu tư có ý nghĩa nhân văn cho bà mẹ, trẻ em và toàn xã hội.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh việc cần tăng cường thông tin, giáo dục và tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích và quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ, thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng và các hoạt động tuyên truyền, các cơ quan lập pháp cần xem xét tới việc bổ sung chi trả cho các các dịch vụ hỗ trợ tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ và sữa mẹ thanh trùng cho trẻ nguy cơ vào Luật Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc tạo ra các chính sách và chương trình hỗ trợ về nghỉ thai sản và cho con bú, cung cấp điều kiện thuận lợi để các bà mẹ có thể tiếp tục cho con bú trong thời gian dài.