Dừa sáp có đặc điểm nước dừa đặc, cơm dày, mềm, dẻo, hương vị thơm và béo được dùng để chế biến kem, bánh, kẹo, nước giải khát, mỹ phẩm và dược phẩm.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè Trần Duy Linh, cho biết: Công ty được thành lập từ tháng 7/2020 với thương hiệu Vicosap. Đến nay, công ty là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chế biến đa dạng và chuyên sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu đặc sản dừa sáp Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Sau gần ba năm hoạt động, công ty đã nghiên cứu, đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ chế biến, ra mắt thị trường bảy dòng sản phẩm chính từ trái dừa sáp, gồm: Dừa sáp hút chân không; kẹo dừa sáp ba vị (nguyên chất, ca-cao, lá dứa); dừa sáp sợi; dừa sáp sấy khô giòn tan; sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan; bánh dinh dưỡng dừa sáp ba vị (chuối, khoai lang, bí đỏ); sữa chua uống dừa sáp. Trong đó, dừa sáp sấy khô giòn tan là sản phẩm sấy lạnh, bảo quản lâu, giữ được trọn vẹn hương vị và 100% dinh dưỡng của trái dừa sáp tươi với năm vị tự nhiên của mít, sầu riêng, thanh long, dứa, hoa đậu biếc.
Năm 2021, công ty đăng ký xét chứng nhận sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” với năm sản phẩm tham gia. Kết quả phân hạng, cả năm sản phẩm đều đạt hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tháng 5/2023, sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap được Trung ương đánh giá đạt hạng OCOP 5 sao; 3 sản phẩm OCOP còn lại sẽ được xem xét, đánh giá đợt 2.
Khi các cản phẩm chế biến từ trái dừa sáp được xếp hạng OCOP, việc quảng bá, kết nối thương mại rất thuận lợi, nhất là đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Công ty đã ký hợp đồng và đưa sản phẩm Vicosap vào hệ thống siêu thị Winmart, Co.op Mart. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản…
Ông Đặng Minh Bé ở ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành chia sẻ, gia đình ông đang áp dụng quy trình canh tác dừa sáp cấy phôi trên đất trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, ông Bé trồng 3ha dừa sáp cấy phôi với hơn 500 gốc, 80% cây đã cho trái. Hằng tháng, ông thu hoạch hơn 3.500 trái dừa sáp đặc ruột, bán giá 80.000 đồng đến 150.000 đồng/trái.
Theo ông Bé, dừa sáp trồng theo cách truyền thống hiệu quả không cao bằng trồng dừa sáp cấy phôi, thường mỗi buồng dừa chỉ cho 2-3 trái sáp. Giống dừa sáp thường có tỷ lệ sáp từ 20-30%; đối với giống dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp đạt 70-90%. Ông Bé dự định thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng dừa sáp cấy phôi và đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất bánh, kẹo dừa sáp và một số mỹ phẩm, dược phẩm, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết, vùng nguyên liệu dừa sáp của tỉnh có khả năng cung ứng cho nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến hơn 2,3 triệu trái sáp/năm. Trong đó, có 70ha được các nhà vườn trong tỉnh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều năm qua, Trường đại học Trà Vinh đã nghiên cứu, thực hiện thành công giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô. Dừa sáp cấy phôi không thay đổi giống cây, chỉ thay đổi phương pháp nhân giống cho tỷ lệ trái sáp đến 80-90%. Ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, dừa sáp cấy phôi còn có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, cho chất lượng sáp ổn định.
Theo kế hoạch, tỉnh Trà Vinh tiếp tục mở rộng diện tích dừa sáp khoảng 5.000ha và khuyến khích nhà vườn áp dụng quy trình canh tác dừa sáp cấy phôi.