Đưa sản phẩm làng nghề thành quà tặng hấp dẫn

Với hàng chục gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề nổi tiếng Thủ đô, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 là “ngày hội” của các nghệ nhân, sản phẩm làng nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa sản phẩm làng nghề thành quà tặng hấp dẫn

Đây chính là dịp quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề sản xuất sản phẩm quà tặng độc đáo, hấp dẫn, chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Không gian của phố đi bộ Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) sôi động và nhiều sắc màu, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày khi tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023. Với điểm nhấn chính là “quà tặng”, không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm quà tặng có 70 gian hàng, bao gồm: Sản phẩm quà tặng của các làng nghề Hà Nội; sản phẩm quà tặng của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh quà tặng...

Các gian hàng giới thiệu sản phẩm những làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, cốm Mễ Trì, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, tò he Xuân La... luôn thu hút đông đảo khách du lịch. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, thuộc Chi hội Làng nghề-làng cổ-làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội) cho biết, ông và các nghệ nhân đem đến lễ hội hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ sừng của làng nghề Thụy Ứng, trong đó có nhiều mẫu quà tặng mới như dụng cụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, trang sức được làm bằng sừng... được du khách ưa chuộng.

Khách đến tham quan các gian hàng còn được hướng dẫn, trải nghiệm làm các sản phẩm miễn phí. Điển hình như workshop về chuồn chuồn tre Thạch Xá, workshop hướng dẫn rang, xay cà-phê, workshop tương tác với các nghệ nhân làm hoa...

Chị Nguyễn Thùy Trang (đường Quang Trung, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi và con gái đến với Lễ hội Quà tặng du lịch năm nay và được tìm hiểu nhiều sản phẩm hết sức thú vị. Không chỉ cá nhân tôi, mọi người đều rất vui khi được tham gia khám phá, tìm hiểu, vui chơi và mua sắm trong không gian này”. Lễ hội còn thu hút mọi người bởi các màn trình diễn nghệ thuật đường phố, triển lãm nghệ thuật thị giác bằng công nghệ 3D Mapping, trình diễn tương tác ánh sáng với những thiết bị công nghệ hiện đại; tiểu cảnh tôn vinh một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội, triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội…

Với hơn 300 làng nghề đã được công nhận là Làng nghề truyền thống, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề thành những quà tặng du lịch hấp dẫn.

Nhiều nghệ nhân làng nghề đã có những sáng tạo để sản phẩm trở thành quà tặng, quà lưu niệm. Nghệ nhân con giống bột (thường gọi là tò he) tại làng nghề Xuân La Đặng Văn Hậu cho biết: “Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ tò he chỉ là đồ chơi của trẻ em, nhưng với sự phát triển của xã hội, bản thân tôi đã có nhiều đổi mới cho sản phẩm. Trước đây, sản phẩm chỉ để ít ngày thì hỏng, giờ tôi cải tiến để sản phẩm có thể lưu giữ trong thời gian dài; đồng thời, tôi đưa những câu chuyện văn hóa vào sản phẩm. Điều này giúp nâng cao giá trị văn hóa, giá trị kinh tế của sản phẩm, giúp sản phẩm có thể trở thành đồ lưu niệm thú vị”.

Nhưng nhìn chung, sản phẩm làng nghề để khách du lịch mua làm quà tặng chưa độc đáo, hấp dẫn, phong phú, vì thế chưa kích thích được nhu cầu chi tiêu, mua sắm của khách du lịch. Nhiều điểm du lịch không có khu trưng bày quà tặng, đồ lưu niệm cho du khách, hoặc nếu có thì danh mục sản phẩm cũng nghèo nàn. Thậm chí nhiều cửa hàng tại các tuyến phố chuyên kinh doanh sản phẩm quà tặng, hay tại các khu du lịch còn bày bán đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài. Một số nơi có những sản phẩm tốt, nhưng lại chưa tiếp cận được thị trường.

Việc tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch nhằm tạo cơ hội để các làng nghề quảng bá sản phẩm đến thị trường, tương tác với đội ngũ những người làm thiết kế, các doanh nghiệp du lịch...

Chi hội trưởng Làng nghề-làng cổ-làng văn hóa Nguyễn Văn Sử chia sẻ: “Các làng nghề có nhiều thợ giỏi, nhưng người thợ chỉ quen làm sản phẩm theo mẫu mã truyền thống, thiếu thiết kế mới để cải tiến sản phẩm. Chúng tôi rất mong có thể kết hợp được với những họa sĩ, nhà thiết kế sáng tạo ra mẫu mới để có thêm sản phẩm quà tặng”.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng đề xuất, các làng nghề cần đẩy mạnh liên kết, kết nối với những điểm du lịch để tạo ra những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách.

Đồng thời hình thành một khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề Hà Nội, qua đó quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách. Ngoài các sự kiện như Lễ hội Quà tặng du lịch, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, xây dựng cơ sở giới thiệu sản phẩm, quà tặng; tạo cầu nối giữa các đơn vị với làng nghề để tạo điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng của Thủ đô, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, tăng chi tiêu đối với du khách.