Đưa sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, sâm Việt Nam hiện có ba chủng dưới loài, gồm: Sâm Ngọc Linh, phân bố tự nhiên ở Kon Tum, Quảng Nam; sâm Lai Châu, phân bố ở Lai Châu; sâm Lang Biang, phân bố ở núi Lang Biang tỉnh Lâm Đồng. Nhiều chính sách đang được xây dựng để thúc đẩy phát triển, đưa sản phẩm sâm Việt Nam gắn với tên quốc gia ra thị trường thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng tham quan các sản phẩm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh TTXVN)
Khách hàng tham quan các sản phẩm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh TTXVN)

Thời gian qua, việc đầu tư phát triển sâm nói chung, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đã được các cấp, các ngành từ Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để phát triển loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao này. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2017/NĐ-CP về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 về phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, và Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh). Năm 2019, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục 100 cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030, trong đó sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được ưu tiên trong danh mục này.

Triển khai thực hiện, đến nay, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã quy hoạch vùng bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, với tổng diện tích là 47.309ha. Bước đầu, đã hình thành vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Tỉnh Lai Châu đang bảo tồn và phát triển 50ha sâm Lai Châu. Các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Lâm Đồng đang ở mức độ gây trồng thử nghiệm, chưa có quy hoạch vùng bảo tồn, phát triển sâm.

Phát triển nguồn giống sâm là khâu rất quan trọng, được các địa phương như Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu quan tâm, đầu tư nghiên cứu. Giống cây sâm đưa vào trồng được sản xuất theo phương pháp hữu tính. Bên cạnh đó, một số trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị hiện đại nhân giống vô tính, nhưng số lượng cây giống chưa nhiều và chưa đủ thời gian đánh giá sinh trưởng và phát triển theo phương pháp này.

Một số doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum bước đầu đã hình thành được chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm đối với sâm Ngọc Linh. Các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như: Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng, khai thác và chế biến và phân phối các sản phẩm từ củ, lá sâm Ngọc Linh cho ra các sản phẩm như: rượu sâm, tinh sâm, trà túi lọc sâm, nước yến sâm, mật ong sâm, thực phẩm bổ sung nước tăng lực…

Đưa sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia ảnh 1

Người dân trồng sâm ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông-Kon Tum có các sản phẩm trà sâm, collagen sâm Ngọc Linh, viên nang mềm sinh lý, rượu sâm, cà-phê sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, dầu gió tinh nhân sâm. Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô có các sản phẩm củ tươi, mật ong sâm, trà túi lọc… Công ty Sâm Sâm, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm trong khu công nghiệp, chế biến khoảng 10 sản phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe.

Việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam hiện mới phát triển đối với sâm Ngọc Linh, được các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum chú trọng xây dựng. Năm 2016 và năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cho hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Ngay sau đó, các địa phương cũng đã ban hành quy chế sử dụng chỉ dẫn địa lý nhằm khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc phát triển sâm chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, thiếu quy hoạch địa điểm, quy mô, diện tích vùng trồng; thiếu nguồn giống bảo đảm chất lượng, hợp pháp; chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực, thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu. Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ chưa tương xứng với thương hiệu “quốc bảo” và chưa tạo thành ngành hàng đem lại doanh thu cao, tạo nguồn thu bền vững cho chủ rừng và người dân địa phương.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình phát triển sâm Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù diện tích sâm đã được địa phương gây trồng, nhưng vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng cụ thể, phân định khu vực của người dân và doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn huyện, xã có khả năng phát triển sâm. Do đó, khi có doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng sâm thì địa phương còn lúng túng trong quá trình xác định vùng trồng cũng như đầu tư hạ tầng.

Công tác nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống đối với phương pháp vô tính sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô đã được triển khai, nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn, cho nên khả năng ứng dụng được vào thực tế để sản xuất còn ít, trong khi đó, nguồn cây giống sâm gieo từ hạt vẫn thiếu so với nhu cầu…

Các địa phương khác cũng cho rằng, thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, theo chuỗi giá trị nuôi trồng-chế biến-thương mại. Mức hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đặc thù về giống, công nghệ trong phát triển, nuôi trồng, khai thác dược liệu chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nguồn vốn thực tế để đầu tư gây trồng, phát triển cây sâm.

Hiện, phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển, nuôi trồng sâm do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý, nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sâm. Hạ tầng giao thông ở vùng trồng sâm và liên kết vùng chưa phát triển, dẫn đến khó khăn trong triển khai các dự án liên quan cây sâm…

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Chương trình sẽ xác định các mục tiêu của từng giai đoạn để phát triển sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, các địa phương đang mong chờ có chương trình quốc gia để tập trung mọi nguồn lực khắc phục những bất cập hiện nay trong phát triển sâm và đưa sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Các chuyên gia về dược liệu cũng cho rằng, trước đây, mới tập trung phát triển sâm Ngọc Linh, hy vọng sau khi có chương trình quốc gia, sâm Việt Nam sẽ được thúc đẩy phát triển ở Lâm Đồng, Lai Châu, đặc trưng cho các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước.